Theo BTC, địa điểm diễn nhắm đến ban đầu là Triển lãm Giảng Võ, sau đó là Đại học Quốc gia, nhưng đều không sắp xếp được thời gian. Cuối cùng, trước hôm Khánh Ly về Mỹ, đêm nhạc Đời cho ta thê diễn ra tại Đại học Văn hóa, trong hội trường sức chứa 600 người. Hàng trăm khán giả nữa xem qua màn hình ngoài sân. Khánh Ly lý giải việc muốn hát cho sinh viên: “Ngày xưa cũng từ giới sinh viên bước ra, tôi có một đời sống trải qua nửa thế kỷ rất hạnh phúc, bắt đầu từ những khuôn viên đại học và các trường trung học. Lòng tôi nhớ mãi và trong suốt những năm tháng dài mơ ước trở lại nơi mình bắt đầu. Muốn mượn tuổi trẻ của các em, muốn xin các em sự hồn nhiên vô tư để tôi cảm thấy chưa đánh mất tuổi xuân…”.
Vé ghi “các bạn vui lòng trang phục áo trắng hoặc áo dài trắng” nhưng hình như chẳng khán giả nào tuân thủ. Đêm nhạc gói gọn trong 2 giờ, kể cả phần trao học bổng. Phần đầu chương trình do các giọng ca sinh viên đảm nhiệm. Bài song ca duy nhất là Ca dao mẹ với Quang Thành - giọng ca Khánh Ly gọi là “người đồng hành”, gần đây luôn sát cánh cùng bà trên mọi sân khấu. Như vậy Khánh Ly chỉ đơn ca 8 bài theo thứ tự: Diễm xưa, Hạ trắng, Còn tuổi nào cho em, Nắng thủy tinh, Ngẫu nhiên, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Huế Sài Gòn Hà Nội, Nối vòng tay lớn. Bài cuối, bà bước xuống hát cùng khán giả.
Giọng Khánh Ly vẫn bản sắc và đầy uy lực, khiến khán giả phải vỗ tay khi vừa cất lên. Một số bài hát theo nhịp phách của riêng mình, không theo bản nhạc. Khánh Ly cũng nhận luôn không biết nốt nhạc và chỉ biết phó thác cho ban nhạc: “Nếu tôi bơi thì mấy anh phải bơi theo”. Không biết có như lần đầu hát cho sinh viên Sài Gòn mà bà diễn tả “run như con thằn lằn đứt đuôi”. Nhưng cũng chỉ duy nhất một lần bà hát sai lời và bỏ mất mấy chữ trong bài Còn tuổi nào cho em.
Thời gian bà nói và hát trong đêm nhạc chắc ngang nhau. Tiếng là cho sinh viên, nhưng cỡ 1/3 khán giả trung niên. Nhận thấy điều này, ca sĩ thưa: “Tôi thực sự không biết phải xưng hô như thế nào vì hôm nay ở đây là buổi hát cho sinh viên và cho… phụ huynh của sinh viên”. Tiếp: “Tôi mong mỏi các em chấp nhận tôi như ngày xưa ba mẹ các em đã chấp nhận tôi. Đừng chê tôi già bởi mai mốt các em cũng sẽ già. Các em có cái hay cho tôi học, nhiều khi tôi cũng có những cái không tệ đâu, các em cứ hỏi tôi sẽ nói”. Người dẫn chương trình tên Hạnh Phúc hỏi: “Tại sao Khánh Ly chọn hát nhạc Trịnh Công Sơn?”. Trả lời: “Nếu tôi mà biết được thì còn nói làm gì”. Khán giả cười ồ, vỗ tay.
Khánh Ly kể về thời kỳ gặp Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt và trở thành “bạn trai” của ông. Rồi họ tình cờ gặp lại nhau ở Sài Gòn và cái tên Khánh Ly được biết đến chỉ sau một đêm hát nhạc Trịnh tại khu đất trống cạnh đường Lê Thánh Tôn khi đó chuyên bán giày. Chính vì phải đứng trên nền đất gồ ghề để hát trong khi quá run, sợ ngã mà Khánh Ly phải bỏ guốc đi đất, rồi được gọi là “nữ hoàng chân đất”. Bà bày tỏ: “Đừng nói nữ hoàng tôi sợ lắm lắm. Nữ hoàng là một, danh ca là hai. Còn một chữ nữa mà tôi không dám nói...”. Trước đó, MC liên tục gọi bà là “nữ danh ca”.
Những tâm sự cuối cùng Khánh Ly gửi tới khán giả trong đêm nhạc: “Ông Trịnh Công Sơn sống rất chan hòa, sống cùng mọi người, cho mọi người. Ông không hề muốn trở thành tượng đài hay gì đó khác lạ. Bởi như vậy có nghĩa là làm cho ông rời xa đám đông mà thôi. Ông Sơn lúc nào cũng là người của các em, của khán thính giả, không của riêng ai cả. Thì hãy để ông bình yên, đơn giản, đáng yêu như vậy”. Bà cũng hẹn nếu chưa đi theo ông Sơn thì sẽ trở về Hà Nội hát vào mùa thu. Năm nay Khánh Ly 72 tuổi.
“15 năm vừa qua chẳng bao giờ tôi thấy ông xa tôi cả. Cảm tưởng lúc nào ông cũng đang ở bên cạnh. Thực ra tôi nhớ ông rất nhiều. Tôi không đợi ngày 1/4, 28/2 để nhớ ông vì sự trân trọng tôi dành cho ông và những điều ông cho tôi. Ông cho tôi cả một đời sống, cho tôi hạnh phúc quá lớn. Đến nỗi tôi nghĩ để có hạnh phúc đó, có thể mất đi những niềm vui khác trong đời tôi cũng chấp nhận. Chẳng mấy người có được may mắn như vậy. Mặc dù ông thường nói với tôi: “Mai cứ sống trong đời sống với một tấm lòng.” Nhiều lúc tôi nghĩ, tấm lòng cũng chẳng để làm gì. Những lúc như thế ông an ủi tôi, dù chẳng để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi nhưng hãy cứ sống như thế. Tôi không làm được điều gì to lớn. Tôi cũng không chắc mình làm được những điều gì tốt đẹp. Nhưng chắc chắn một điều tôi là một người biết nghe lời và ông Trịnh Công Sơn là một ông thầy tốt, chỉ biết dạy học trò những điều tử tế trong đời sống thôi. Tôi biết để làm được những điều tử tế đó, để có được một tấm lòng đó khó lắm, không phải ai cũng làm được. Tôi muốn lắm, nhưng tôi nghĩ là tôi vẫn chưa đủ. Tôi vẫn có những lỗi lầm trong đời sống. Tôi vẫn có những điều không phải với cuộc đời, với mọi người và với cả chính mình. Cho nên dẫu đời sống của mình ngắn lắm, không còn bao nhiêu nữa, nhưng lúc nào tôi cũng tự an ủi, còn sống thêm một ngày nào nữa thì cũng ráng sống cho tử tế. Để dẫu là xa cách, ông Trịnh Công Sơn cũng sẽ không xấu hổ vì có một học trò giống như tôi. Tôi học ít lắm, tôi không có bằng cấp gì cả, bằng tiểu học cũng không có, bằng lái xe cũng không có. Nhưng cuộc đời dạy tôi rất nhiều. Tôi học được ở cuộc đời tôi học được ở mọi người. Mọi người tử tế đến với tôi, thương tôi và dạy cho tôi những điều tử tế. Tôi cố gắng tôi theo…” .
Khánh Ly