Đã bao nhiêu lần bà nghe người ta đồn rằng mình đã chết?
Nhiều lắm. Mỗi lần như thế, các con tôi rất sợ hãi. Cho đến giờ, chúng cũng không hiểu tại sao lại có những người làm chuyện như vậy. Mà họ là những người bạn rất thân của tôi. Chuyện tin đồn không có gì lạ lùng. Nhất là bây giờ lại có Facebook, rồi lung tung nữa. Tôi không sử dụng những cái đó. Họ toàn đưa những tin làm đời sống của mình không được vui, làm mình phải suy nghĩ.
Trên Facebook họ nói Khánh Ly đã làm 5 đám cưới. Tôi tìm hoài không ra ông thứ tư. Có nhiều lời đồn kinh hãi lắm. Tôi không hiểu người ta nghĩ thế nào, sống thế nào, mà lúc nào cũng mong bất hạnh đến cho người khác. Hay họ nghĩ đó là hạnh phúc của họ. Tôi nói với ca sĩ Quang Thành, trợ lý của tôi: “Thôi em ạ nếu người ta mong cho mình chết là người ta chúc phúc cho mình đó”… Tuy nói cái gì mình sợ mà nó vẫn cứ tới thì sợ làm gì, nhưng tôi cũng run lắm chứ. Tại cuộc đời đẹp quá. Cuộc đời đâu bạc đãi mình. Mình yêu nó. Lúc nào mình cũng cảm thấy mình chơi chưa đủ.
Sách của bà đã được xuất bản ở Việt Nam nhưng vẫn là dạng tản văn. Bao giờ thì bà viết hồi ký đời mình?
Thú thực tôi được đi học nhưng không học được, chứ nếu bảo không được học thì người ta lại bảo sao bố mẹ không cho đi học, cho nên chữ nghĩa thì tôi cũng vay mượn ở sách báo. Tôi không phải ông Trịnh Công Sơn “móc túi lấy chữ ra viết nhạc”- nói theo ông Nguyễn Xuân Khoát. Tôi không có chỗ nào để móc chữ ra cả. Cho nên ý tưởng có, sự việc xảy ra hoàn toàn là sự thật nhưng tôi chưa dám. Nhất là từ khi nhà tôi mất, dường như chữ nghĩa, đầu óc của tôi bay đi đâu mất. May còn cái yêu hát không bao giờ bỏ được, chứ còn tôi bỏ quên rất nhiều điều. Một trong đó là mong ước được ghi lại tất cả sự thật.
Khánh Ly hôn lên má tượng Trịnh Công Sơn tạc bằng đá onyx xuyên sáng do người hâm mộ tặng. Bà cho hay khi ông còn sống nếu có hôn, bà bao giờ cũng tế nhị để môi cách mặt ông mấy phân(!). Bộ đôi tượng Trịnh Công Sơn- Khánh Ly sẽ được bán đấu giá lấy tiền mổ tim cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Minh Tâm.
Về một nhân vật nào đó, mình phải nói khi người ta còn sống, không nói khi người ta đã chết. Tôi cũng không dựa trên cái chết của người khác để kiếm điểm cho mình. Còn những ai tôi cảm thấy không phải là bạn thì tôi sẽ không nhắc đến. Tại khi nhắc đến những người ghét mình, mình không được khách quan lắm. Hy vọng tôi có đủ thời gian, đủ bình tĩnh để ghi lại những điều đó và những người tôi yêu quý sẽ sống lâu hơn tôi để tôi được dịp nhắc đến.
Được biết bà đã chuẩn bị cẩn thận những món đồ liên quan đến đám tang của mình?
Mình không chuẩn bị thì con mình chuẩn bị không kỹ là một, rồi người này xúi, người kia xúi. Điều quan trọng là không cho ai nhìn mình khi mình nằm trong quan tài. Tôi muốn giữ hình ảnh mình đẹp mãi. Khi chết rồi, cái mặt mình nó khác. Người ta nói: “Cái gì không thấy thì lòng mình không đau” là vậy.
Tôi đi dặn nhà quàn, đặt tiền trước, khi nào tôi có việc gì chỉ việc mang đến, thiêu. Dặn các con khi nào thiêu mẹ rồi thì tro của mẹ và của bố muốn rải đâu thì rải. Mọi người cứ nói: “Tôi chết rồi mang tôi về Việt Nam...”. Chi vậy? Tốn tiền! Mình sống thực tế đi, không để cho con phải lo gì cả! Rải tro chỗ nào cũng thế. Đất trời chỗ nào cũng là quê hương của mình. Nếu mình sống ở nơi đó tử tế thì đó là quê hương của mình. Mình ở đây mình vui, đây là quê hương của mình. Mình đi đâu, quê hương trong lòng mình thôi.
Di chúc của Khánh Ly có gì đặc biệt, bà có thể tiết lộ?
Thường để di chúc lại thì trong nhà xảy ra nhiều chuyện lắm. Nhưng đó là tại người ta có của. Còn những người không có gì cả thì vô lo. Điều quan trọng là tất cả những gì mình có, mình đã gửi mọi người rồi. Mình dàn trải tình cảm của mình cho mọi người không phải để mình xóa nợ đâu. Nợ tiền trả nhau xong là hết. Nhưng cái nợ tình cảm không trả được. Đó là cái nợ đáng sợ nhất trong đời sống này. Thì bây giờ mình chia đều tất cả, gửi đến cho mọi người, dù nhỏ nhoi thôi, nhưng xin mọi người nhận lấy lòng biết ơn không phải của một ca sĩ với khán giả, mà là của một người với một người, dành cho nhau những tháng ngày, những giây phút tử tế. Còn với con cái tôi không có tiền để lại, tôi chỉ có thể để lại đời sống tử tế thôi. Cái may mắn cho tôi là các con tôi dẫu không giàu có nhưng lành, không tham lam, độc ác- là phần thưởng quá lớn cho mình rồi. Vì con cái là gia tài duy nhất còn lại của người đàn bà.
Bà tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện mỗi khi về Việt Nam. Bà cũng phải dành một khoản tiền cho việc này?
Tôi được cái tiếng chứ tôi có bỏ đồng nào đâu. Xin cảm ơn nhà tổ chức chương trình vì cho tôi được hưởng lây cái tiếng tốt như vậy. Nhà tổ chức cứ việc sai bảo, chúng tôi làm hết lòng những gì làm được.
Cũng có những nghi ngờ cho rằng ngoài 70 tuổi, bà không thể hát tốt trên sân khấu được. Bà nghĩ sao về điều này?
Nhiều người nói những câu tôi cảm thấy có lý, tuy câu nói của họ làm mình đau lòng. Chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ mong mỏi những lời yêu thương sao?! 100 người thương mình thì cũng phải có 100 người không thích mình. Trở về Hà Nội hát là điều không tưởng. Tôi không nghĩ là tôi còn hát được như vậy đâu. Tôi không nghĩ còn những người yêu tôi đến nghe đâu. Đó là một trong những cái may mắn nhất của tôi: được ông Sơn chọn, được mọi người thương. 74 tuổi, tôi không thể nào hát như khi 20 tuổi được. Mọi người thương thì chấp nhận, đừng khó khăn nhau quá làm gì.
“Cuộc đời vô thường. Phải coi tất cả mọi điều đều là nhỏ cả thì khi mình mất, mình không đau. Với Trịnh Công Sơn, dường như không có điều gì là thật, cũng không gì là mộng. Ông viết: “Có điều gì dường như niềm tuyệt vọng...” không phải tuyệt vọng, dường như thôi; “Như một lời chia tay” không phải là sự chia tay, giống thế thôi. Ông vừa nằm mơ thấy mình qua đời. Ðó là một cơn mơ, không phải sự thật. Khi mình nghĩ như thế, dẫu có là chia lìa thật, lòng mình không đau nữa. Tôi gặp Trịnh Công Sơn lần cuối vào tháng 2 (trở về Mỹ thì nghe tin ông vô bệnh viện, ông mất tháng 4) thì tôi cảm nhận được là ông sắp xa mình. Nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ ông Trịnh Công Sơn ở xa. Khi một người đã ở trong tim mình thì họ sẽ ở mãi mãi thôi. Một câu hát, một tình yêu cũng thế”
Ca sĩ KHÁNH LY