> Bệnh nhân cúm A/H5N1 đang nguy kịch
Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm đối với những người từng tiếp xúc bệnh nhân. Có 3 giả thuyết về nguồn lây: Một là tại tỉnh Thanh Hóa, vì trong thời gian về quê ăn Tết, bệnh nhân có ăn tiết canh vịt nhiều lần trong khi Thanh Hóa đang là tỉnh có dịch cúm gia cầm. Thứ hai là tại Bình Dương nơi bệnh nhân tạm trú. Thứ ba là tại huyện Củ Chi, TPHCM vì bệnh nhân có tham gia làm thịt và ăn thịt vịt mua tại huyện này.
Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1. Viện Pasteur TPHCM đã cấp cho ngành y tế tỉnh Bình Dương 300 viên Tamiflu để điều trị khi có bệnh nhân nhiễm cúm. Từ đầu năm, cả nước có 3 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong.
Ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, tỉnh đã chuẩn bị 1,2 triệu liều vắc xin H5N1-Re5 để tiêm phòng đồng loạt cho gia cầm vào ngày 1-3. Những hộ nuôi nhỏ lẻ quy mô dưới 2.000 con gia cầm được miễn phí, còn trên 2.000 con thì phải đăng ký để mua vắc - xin và tiêm phòng dưới sự chứng kiến của ngành chức năng. Bên cạnh đó, lấy mẫu huyết thanh tại các điểm nuôi bán chim, kinh doanh gia cầm sống và kiểm tra huyết thanh sau khi tiêm phòng tại các hộ chăn nuôi, trang trại.
Chi cục Thú y Bình Dương lập đường dây nóng để người dân thông báo khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện 5 không: không giấu dịch, không mua gia cầm bệnh, không bán chạy gia cầm bệnh, không tự vận chuyển gia cầm bệnh rời khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác gia cầm nghi mắc bệnh.
- Ngày 27-2, UBND tỉnh Quảng Nam công bố dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên địa bàn tỉnh, cụ thể là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn và xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.
UBND tỉnh giao chủ tịch huyện Điện Bàn và huyện Đại Lộc chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt để dập dịch, khống chế dịch; thông báo đến toàn dân, cấm mua bán, giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào xã có dịch... Lực lượng chức năng đã khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy bắt buộc hơn 12.000 con gia cầm.