>> WHO bác tin đồn về mây phóng xạ lan ra các nước
>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản
>> Tin đồn mưa nhiễm phóng xạ từ đâu ra?
> >Tin nhắn 'phóng xạ' thất thiệt lan nhanh khắp Châu Á
> >Bác tin đồn mưa axít, mưa phóng xạ ở Việt Nam
Máy bay trực thăng trên đường đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ảnh: AP. |
Các máy bay trực thăng CH-47 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được huy động trở lại, dội nước xuống bể ngâm các thanh phế thải hạt nhân nhằm làm mát bể nước, ngăn cản nước nóng bay hơi kéo theo bụi phóng xạ phát tán lên không trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho biết, ông đã ra lệnh cho các máy bay trực thăng dội nước xuống lò phản ứng số 3 từ độ cao 1.000 m sau khi xem xét nồng độ bụi phóng xạ đo được tại độ cao này chỉ có 4.130 microsievert/giờ. Ông nói trực thăng không thể bay thấp hơn vì tại độ cao 300 m phía trên lò phản ứng số 3, mức phóng xạ đo được là 87.700 microsievert/giờ, rất nguy hiểm cho phi công.
Bảy ngày trôi qua kể từ khi xảy ra động đất, sóng thần, các chuyên gia an toàn hạt nhân Nhật Bản vẫn chưa hiểu được vì sao sau các đợt dội nước xuống lò phản ứng số 3, độ phóng xạ vẫn không thay đổi. Cường độ phóng xạ gần mái nhà của tòa nhà có lò số 3 đã vượt 87.000 microsievert/giờ. Mức độ này là đáng lo ngại vì ngưỡng an toàn đối với người trong một năm chỉ ở mức 1.000 microsievert.
Dùng xe cứu hỏa công suất lớn
Chiều 17-3, lực lượng cảnh sát chữa cháy Tokyo huy động 7 xe cứu hỏa công suất lớn tới bơm nước vào bên trong các lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố ở Fukushima. Các chuyên gia tập trung khắc phục sự cố tại các bể ngâm các thanh nhiên liệu phế thải đặt cạnh lõi của lò phản ứng.
Bên trong mỗi tòa nhà của cả 6 lò phản ứng hạt nhân thuộc nhà máy điện Fukushima số 1 đều có kho bảo quản các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Kho này thực chất là một bể nước ngâm các thùng kim loại có chứa nhiều thanh nhiên liệu phế thải đặt bên ngoài phần lõi lò phản ứng.
Các thanh nhiên liệu qua sử dụng phải luôn được ngâm ngập sâu trong nước lạnh tuần hoàn liên tục. Do động đất và sóng thần, hệ thống bơm nước tuần hoàn vào bể bị hỏng, nước nóng dần và liên tục bốc hơi khiến mực nước đã nóng ngày càng cạn kiệt. Khi các thanh nhiên liệu lộ lên khỏi mặt nước sẽ phóng ra môi trường nhiều bụi phóng xạ gây ô nhiễm.
Sau vụ động đất, sóng thần, các chuyên gia của Cty Điện lực Tokyo (Tepco) vẫn chưa có cách nào để quan trắc lượng nước và nhiệt độ trong các bể chứa thanh nhiên liệu phế thải ở các lò số 1, 2, 3, và 4. Các nỗ lực bổ sung nước biển vào các bể chứa không mang lại kết quả như mong muốn.
Cục An toàn Công nghiệp và Hạt nhân của Nhật Ban hôm 17-3 cho biết, ưu tiên cao nhất lúc này là đổ thêm nước vào các bể của lò số 3 và lò số 4 đang có dấu hiệu nước trong bể đã sôi. Do các mái của tòa nhà của hai lò này đã bị vụ nổ khí hydrô phá tung mấy ngày trước nên bụi phóng xạ dễ dàng thoát ra ngoài.
Trước mắt, cần nhấn chìm các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng sâu xuống nước và trong khi nước không thể tuần hoàn thì liên tục được bổ sung. Ngày 17-3, Tepco bắt đầu lắp đặt 2 máy phát điện chạy bằng diesel do liên doanh Nhật - Mỹ chế tạo để tạm thời phát điện cung cấp cho hệ thống làm mát của 6 lò phản ứng. Khi có nguồn điện, hy vọng các lò phản ứng được cung cấp đủ nước làm mát sẽ sớm thoát khỏi tình trạng khẩn cấp hiện nay.
Máy bay Mỹ ghi hình bên trong lò phản ứng
Ngày 17-3, hãng tin Kyodo News cho biết, quân đội Mỹ sẽ sử dụng máy bay không người lái do thám trên cao Global Hawk để khi hình bên trong các lò phản ứng hạt nhân vừa bị cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 mà bụi phóng xạ không cho phép con người tiếp cận.
Dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật Bản, Kyodo cho biết, máy bay Global Hawk được trang bị các bộ cảm ứng hồng ngoại nên có thể ghi được hình ảnh giá trị về những gì đang xảy ra bên trong các lò phản ứng hạt nhân.
Đại Phượng
Theo NHK, Kyodo News