Tarmac Aerosave là xưởng tháo dỡ máy bay nổi tiếng hàng đầu thế giới. Tại đây, những chiếc phi cơ không còn hoạt động sẽ bị "xẻ thịt" để lấy vật liệu có khả năng tái chế nhằm phục vụ các ngành công nghiệp khác, CNN đưa tin.
Công ty nằm tại Thung lũng hàng không vũ trụ, một cụm từ chuyên chỉ khu vực có các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, gần thị trấn Tarbes, miền nam nước Pháp.
Đội ngũ công nhân lành nghề tháo dỡ cẩn thận các bộ phận có thể sử dụng của máy bay để lắp cho phi cơ khác hoặc làm buồng lái giả lập. Các loại vật liệu còn sót lại được bán theo kiểu phế liệu cho các công ty tái chế.
Quá trình tháo dỡ ở Tarmac Aerosave cho phép tái sử dụng 87% vật liệu cấu thành một chiếc phi cơ. Tuy nhiên, công ty tham vọng đẩy con số này lên tới 90% nhằm tận dụng hầu như mọi thứ từ những chiếc máy bay.
Nhu cầu tái chế máy bay đã qua sử dụng ngày càng cao. Vật liệu từ quá trình tái chế máy bay rất hữu ích cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là hàng không. Airbus, công ty mẹ của Tarmac, ước tính có tới 9.000 máy bay chở khách sẽ bị thải khỏi biên chế các hãng hàng không trong 20 năm tới.
Phí lưu trữ một chiếc máy bay đã qua sử dụng có thể lên tới 25.000 USD/tháng nhưng chi phí tháo dỡ một chiếc máy bay chỉ khoảng 125.000 tới 185.000 USD cho toàn bộ quá trình. Công ty sở hữu được quyền bán các bộ phận có thể sử dụng của máy bay để thu lại các khoản phí.
Lợi ích kinh tế lớn khiến nhiều hãng hàng không trên khắp thế giới chuyển máy bay đã qua sử dụng về Tarmac Aerosave. Cách thức này cũng hạn chế tới mức tối thiểu các tác động xấu đến môi trường. Ảnh: CNN
Tarmac Aerosave còn tin rằng việc tháo dỡ máy bay đã qua sử dụng sẽ giúp các kỹ sư hoàn thiện hơn những chiếc máy bay trong tương lai. Công việc này giúp họ hiểu rõ mọi yếu tố tác động lên một chiếc máy bay trong quá trình hoạt động. Nó giúp khắc phục những thiếu sót mà những máy bay thế hệ cũ gặp phải.
Tarmac đang mở rộng quy mô để có thể tháo dỡ nhiều dòng máy bay khác nhau. Đại diện công ty cho biết: "Thay vì vứt bỏ những chiếc máy bay đã qua sử dụng, chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho chúng tái sinh".
Từng bộ phận của máy bay nằm la liệt tại khu tháo dỡ, chờ được tái sử dụng.