Công Phượng và ĐT Việt Nam từng gặp Afghanistan |
Tuyển Afghanistan mạnh hay yếu?
Afghanistan sẽ là đối thủ của ĐT Việt Nam trong trận giao hữu vào ngày 1/6 trên sân Thống Nhất. Với ĐT Việt Nam, đây là cữ dượt để nhiều tuyển thủ làm nóng sau gần 3 tháng không thi đấu, qua đó sẵn sàng hơn khi V.League trở lại.
Trong khi đó, với Afghanistan, trận đấu với thầy trò HLV Park Hang-seo mang ý nghĩa tổng duyệt vô cùng quan trọng. Họ sắp bước vào vòng loại cuối của Asian Cup 2023, nơi đội bóng này sẽ gặp Hong Kong (8/6), Ấn Độ (11/6) và Campuchia (14/6).
Vì vậy, họ chọn ĐT Việt Nam để có được màn thử lửa chất lượng nhất, qua đó tự tin hơn trên hành trình giành vé đến Cúp châu Á 2023. So với các đối thủ ở vòng loại, rõ ràng Việt Nam là “quân xanh” đẳng cấp của Afghanistan, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn 3 đối thủ sắp tới. Vì dù sao, Việt Nam cũng đã góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và sẽ chắc chắn có vé đi Asian Cup 2023.
So về mọi yếu tố, Afghanistan có vẻ đang lép vế so với Việt Nam. Họ chỉ đứng thứ 150 thế giới, kém tới 54 bậc so với Việt Nam. Đội bóng Tây Á này lại phải đá sân khách và đội hình thì tản mát đã lâu vì các vấn đề trong nước.
Đây chính là điểm yếu muôn thuở của bóng đá Afghanistan, khiến họ khó có được lực lượng tốt nhất, thời gian tốt nhất để ăn tập với nhau. Gần như trong tất cả những lần hội quân suốt cả chục năm qua, đội bóng này đều phải hội quân ở nước ngoài và cũng phải lấy sân trung lập làm sân nhà của mình.
Indonesia từng thua Afghanistan hồi 2021 |
Tất cả đã ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của họ. Afghanistan hầu như chỉ biết thua và hòa. Còn các chiến thắng cũng chỉ sát nút (2-1 trước Campuchia, 1-0 trước Bangladesh, 3-2 và 1-0 trước Indonesia...).
Thậm chí ở trận đấu tập hôm 27/5, ĐT Afghanistan cũng thua cả Sài Gòn FC. Tất cả cho thấy rằng Afghanistan chỉ ngang tầm với những đội tuyển trung bình của Đông Nam Á, như Singapore hay Myanmar. So với lần gần nhất gặp nhau cách đây 5 năm (hòa 0-0), vị thế của Việt Nam và Afghanistan giờ đã khác nhau khá xa.
Afghanistan, đội bóng của những cầu thủ lưu vong
Có người sinh ra ở Đức, người sinh ra tại Mỹ, Thụy Điển... Cũng có nhiều cầu thủ mà hàng chục năm trời chưa được trở về quê nhà... Đó là tình cảnh chung của Afghanistan, một đội tuyển gồm phần lớn các cầu thủ tha hương, không thể sinh sống tại quê nhà do chiến tranh, tình hình chính trị phức tạp. Và nhiều người trong số họ thậm chí còn không thể thông thạo tiếng mẹ đẻ.
Một trong số đó là Maziar Kouhyar, người sinh ra tại Afghanistan nhưng sang Anh sinh sống từ năm 2 tuổi. Anh trưởng thành trong môi trường bóng đá Anh và cũng chỉ được gọi lên tuyển từ năm 2017. Từ đó tới nay đã 5 năm nhưng hậu vệ 24 tuổi này chỉ có 7 lần khoác áo tuyển. Con số này khiêm tốn không phải vì trình độ của anh, mà đơn giản vì nhiều lần anh từ chối ra sân mỗi khi ĐTQG thi đấu tại Afghanistan.
Hossein Zamani từng ăn tập ở lò Ajax và được MU để mắt |
Norlla Amiri cũng tương tự. Cầu thủ 30 tuổi này sinh ra và lớn lên tại Thụy Điển theo dạng tị nạn khi cha mẹ anh chạy trốn quân Taliban. Trong khi đó, Hossein Zamani lại gắn bó trọn vẹn tuổi thơ tại Hà Lan. Tài năng 19 tuổi này thậm chí còn không được nhắc đến nhiều tại quê nhà, dù anh đã là một ngôi sao trẻ tại Hà Lan và được MU săn đuổi từ 2019.
Đây là 3 trong số rất nhiều trường hợp cầu thủ người Afghanistan, đã thi đấu cho đội tuyển, nhưng lại không có nhiều liên hệ với đất nước. Tất cả đã phản ánh những khó khăn trong việc lắp ráp đội hình, tập luyện và thi đấu của ĐT Afghanistan.
Trong đội hình họ triệu tập cho trận gặp Việt Nam, 22 cầu thủ thi đấu trên 4 châu lục, từ Á, Âu, Mỹ cho tới Úc. Họ thi đấu cho những CLB ở đẳng cấp cao nhất (NEC Nijmegen tại giải VĐQG Hà Lan) tới thấp nhất (Phnom Penh Crown tại Campuchia).
Sự phân hóa của đội tuyển này là rất rõ ràng. Và đó là lý do tại sao họ thiếu tính kết dính, mất cân đối trong đội hình, dẫn tới hệ quả là luôn lẹt đẹt ở nhóm các đội tuyển yếu nhất châu lục, dù phẩm chất cá nhân của nhiều ngôi sao tuyển Afghanistan đã đạt đến đẳng cấp châu Âu.