Khám, chữa bệnh cho dân vùng lũ

Khám, chữa bệnh cho dân vùng lũ
TP - 20 y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An về Quỳnh Vinh (Hoàng Mai, Nghệ An) khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng lũ trong chương trình cứu trợ do báo Tiền Phong tổ chức.

> Báo Tiền Phong đến với người dân vùng lũ
> Rưng rức những câu chuyện tình người nơi bão đi qua

Trong những ngày bão số 10 và 11 gây thiệt hại nhiều về tài sản và hoa màu của người dân vùng lũ thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, báo Tiền Phong phối hợp Đài PTTH tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An tổ chức đưa hàng cứu trợ lũ lụt về cho bà con; khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 người dân xã Quỳnh Vinh.

Sáng 19/10, hàng trăm người dân Quỳnh Vinh, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do bão lũ tại thị xã Hoàng Mai, có mặt tại trạm y tế xã. Trong dòng người đến khám bệnh, có những cụ già đã ở vào tuổi “cổ lai hy” được người nhà dìu đến; những em bé gày yếu được mẹ bế trên tay.

BS Quế Anh Trâm, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, cho biết: “Bệnh phổ biến vùng lũ là rối loạn tiêu hóa, sốt, đau mắt đỏ. Để ngăn chặn nạn dịch có thể bùng phát sau lũ trên địa bàn này, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã xuất một cơ số thuốc kháng sinh đáp ứng cho hàng trăm người”.

Bà Phạm Thị Đờn (80 tuổi, trú tại xóm 15, xã Quỳnh Vinh) nói: “Mặc dù tài sản bị trôi, trắng tay sau lũ, nhưng chúng tôi cũng ấm lòng vì đã có nhiều người tốt như báo Tiền Phong đã hai lần về trao quà cho bà con địa phương”.

Bà Nguyễn Thị Thường (75 tuổi, ở xóm 11, Quỳnh Vinh) bị gãy tay trong lũ của cơn bão số 10 được bệnh viện phát thuốc miễn phí. Bà kể: “Tiền thuốc nhiều lắm, mà giờ thì có đâu lúa gạo mà bán lấy tiền mua thuốc, may có các bác sĩ tại bệnh viện khám và cấp thuốc miễn phí. Chúng tôi cảm ơn các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã về tận xã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân”.

Cùng ngày, báo Tiền Phong trao 112 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng, cho người dân xã Quỳnh Vinh. Món quà nghĩa tình được trích từ quỹ hoạt động xã hội của báo và do bạn đọc quyên góp, ủng hộ thời gian qua.

Chị Nguyễn Thị Cúc (trú tại thị xã Cửa Lò, cùng tham gia đoàn cứu trợ) cho hay, dù chưa có việc làm, nhưng chị vẫn dành dụm được hơn 1,7 triệu đồng mua gạo, sách vở, 100 chiếc bút tặng bà con và học sinh vùng lũ đang gặp khó khăn.

Quần áo, gạo, sách vở… do bạn đọc quyên góp đã được Tiền Phong chuyển đến xã Quỳnh Vinh, để chính quyền xã cấp phát cho dân.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Hoàng Mai, đến ngày 19/10, đã có 236 đơn vị, cá nhân trong cả nước ủng hộ đồng bào vùng lũ 21.027 thùng mì tôm, 532 két nước và hơn 134,7 tấn gạo. Tổng số tiền và hiện vật các nhà hảo tâm hỗ trợ Hoàng Mai là hơn 14 tỷ đồng.

Quà Bộ Y tế đến tay dân vùng thiệt hại nặng

Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác về các vùng lũ ở Hà Tĩnh, để hỗ trợ người dân.

400 chiếc áo phao, 90 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 500.000 viên diệt khuẩn Cloramin B, 500 kg Cloramin B dạng bột, 6.000 viên khử trùng nước Aquatabs, 500 thùng sữa TH True Milk, 20 thùng bánh kẹo, 200 thùng mì ăn liền 3 Miền, 1 tấn lương khô và 200 thùng nước khoáng đóng chai Lavie. Báo Sức khỏe - Đời sống hỗ trợ đồng bào vùng lũ 200 triệu đồng, Cty Dược Quân đội hỗ trợ 70 triệu đồng và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) 10 triệu đồng.

Thứ trưởng Long chỉ đạo các nơi bị ngập lụt phải khẩn trương khắc phục các trạm y tế, cơ sở vật chất khám chữa bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc. Thứ trưởng nhận định, sau lũ, nhiều dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ…

Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tĩnh, bác sỹ Nguyễn Lương Tâm, cho biết, trong cơn lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 37.000 hộ dân bị ngập. Ngành y tế Hà Tĩnh đã cấp phát 1.890 kg Cloramin B, 47.600 viên Cloramin B và 57.920 viên Aquatabs…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.