Khai năm tạ ơn rừng

Lễ Tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu. Ảnh A. N
Lễ Tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu. Ảnh A. N
TP - Những ngày đầu năm, đồng bào Cơ Tu ở vùng núi cao Tây Giang (Quảng Nam) lại hân hoan chuẩn bị cho Lễ Khai năm tạ ơn rừng. Họ thành tâm làm lễ để tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở, đồng thời nhắc nhau gìn giữ môi trường sống, không làm tổn hại rừng già, sông suối.

Từ sáng sớm, già làng hai xã Tr’Hy và A Xan đã có mặt tại khu làng sinh thái di sản Pơ Mu (xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Mang trên mình bộ đồ truyền thống, khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ. Các già làng cùng nhau chuẩn bị mâm cúng và làm lễ. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 nên lễ khai năm Tạ ơn rừng chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, không có phần “hội” tuy nhiên vẫn đảm bảo và giữ nguyên phần nghi thức lễ theo truyền thống.

Lễ cúng thần rừng được chuẩn bị tỉ mỉ. Mâm cúng đầy đủ lễ vật: con dê, con gà, ghè rượu cần, một ngôi nhà cúng mô phỏng theo gươl truyền thống. Trong bộ trang phục Cơ Tu truyền thống, già làng Pơloong Nấp dẫn đầu đoàn người mang theo mâm cúng tiến vào sâu trong cánh rừng Pơ Mu cổ thụ. Con dê được cột vào cây nêu phía trước ngôi nhà cúng để làm vật tế thần linh. Sau điệu nhảy điệu tâng tung là điệu hú mời thần rừng về chứng giám nghi lễ, đại diện các già làng thực hiện nghi thức cúng bái. Máu tươi của dê được rải trên nền đất rừng thiêng, hàm ý tạ ơn và cầu với thần rừng cho dân làng được bình an, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc.

Già làng Pơloong Nấp, chia sẻ: “Người vùng cao nói chung và Cơ Tu nói riêng, từ bao đời nay sống dựa vào rừng, uống nước nguồn, cải thiện bữa ăn từ thiên nhiên, sông suối ban tặng nên rất biết ơn và tìm cách gìn giữ nguồn sống của mình. Lễ hội cúng thần rừng hằng năm ngoài để tạ ơn thần linh, còn là dịp để giáo dục con cháu trong việc giữ gìn môi trường, không xâm hại đến rừng, sông suối”.  

Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, lễ khai năm tạ ơn rừng là nét đẹp truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhằm tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở. Trước, lễ hội này được tổ chức theo từng làng, hộ. Từ năm 2018, huyện Tây Giang tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng với quy mô lớn, huy động cả cộng đồng địa phương tham gia. Hiệu ứng lan tỏa sau một năm khôi phục lễ hội văn hóa truyền thống này đã tạo nên động lực để địa phương tiếp tục tái hiện nghi thức cúng thần rừng và tạ ơn mẹ rừng.

Đây là năm thứ 4 lễ hội được tổ chức. Năm nay do bối cảnh dịch COVID-19 do vậy lễ hội không được mở rộng, chỉ tổ chức phần lễ, không có các hoạt động vui chơi sau lễ. Ngoài ra số lượng người cũng hạn chế, chỉ đại diện các già làng tham gia.

Cùng nhau giữ rừng

Tây Giang vốn nổi tiếng với với những cánh rừng lim, pơ mu cổ thụ quý hiếm. Đặc biệt là khu rừng Pơ Mu di sản với hơn 2.011 cây Pơ mu cổ thụ, trong đó có 1.146 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam có tuổi đời trên 200 năm tuổi.

Đồng bào Cơ Tu cũng có những quy định, hương ước làng khắt khe để giữ rừng. Năm ngoái, liên tiếp những trận lở núi xảy ra tại huyện miền núi Nam Trà My Đâu đó những trận lở núi, những cơn nổi giận của mẹ thiên nhiên khiến người ta càng trân quý, nhắc nhau phải gìn giữ cho được rừng thiêng.

“Việc duy trì lễ tạ ơn rừng có ý nghĩa rất lớn trong việc biểu dương các hành động đẹp, cổ vũ mạnh mẽ việc chung tay gìn giữ môi trường tự nhiên, bảo vệ rừng già và nguồn nước ở cộng đồng. Hơn ai hết, người Cơ Tu vùng núi cao Tây Giang hiểu sâu sắc giá trị của mẹ thiên nhiên, biết trân quý, bảo vệ những cánh rừng thiêng. Ngay sau lễ Tạ ơn rừng, địa phương cũng phát động lễ trồng cây, hưởng ứng Tết trồng cây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – ông Blúi nói.

Khai năm tạ ơn rừng ảnh 1 Đồng bào vùng cao nhắc nhau cùng gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng thiêng

Già làng Pơloong Nấp chia sẻ: “Người vùng cao nói chung và Cơ Tu nói riêng, từ bao đời nay sống dựa vào rừng, uống nước nguồn, cải thiện bữa ăn từ thiên nhiên, sông suối ban tặng nên rất biết ơn và tìm cách gìn giữ nguồn sống của mình. Lễ hội cúng thần rừng hằng năm ngoài để tạ ơn thần linh, còn là dịp để giáo dục con cháu trong việc giữ gìn môi trường, không xâm hại đến rừng, sông suối”.

MỚI - NÓNG