![]() |
Đền Bà Tấm hay còn gọi là Đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan nằm tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XI. |
![]() |
Xã Dương Xá - thuộc vùng đất cổ thuộc trấn Kinh Bắc xưa, có 17 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp thành phố. Nổi bật nhất của Dương Xá là cụm di tích đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan bao gồm: chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3 ha có sân, nhà thủy đình, cây xanh các loại. |
![]() ![]() |
Năm 2020, tượng đôi sư tử đá và khám thờ sơn son thếp vàng tại cụm di tích Đền - Chùa Bà Tấm đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 15/1/2020. |
![]() |
Đền Bà Tấm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật năm 1996. |
![]() |
Năm 2010, để tưởng nhớ công đức của bà, một trong những danh nhân có tài trị nước của dân tộc, Ban quản lý di tích Đền Bà Tấm tôn trí tượng đài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cao 9,1 m, nặng 30 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất. |
![]() ![]() |
Lễ hội đền, chùa Bà Tấm năm 2025 diễn ra trong 6 ngày, từ 15 đến 20/3 (tức ngày 16 đến 21/2 năm Ất Tỵ) với các nghi lễ quan trọng như dâng hương, tế lễ. |
![]() |
![]() |
Ngoài ra khi đến với lễ hội, người dân và du khách cũng được hòa mình vào nhiều hoạt động sôi nổi khác như giao lưu bình thơ Xuân Ất Tỵ 2025, chương trình giáo dục truyền thống giới thiệu và tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Đảng - Mùa xuân - Dân tộc, thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, các hoạt động thể thao… Đặc biệt du khách có cơ hội được trải nghiệm quy trình chế biến và thưởng thức ẩm thực đặc sản của xã Dương Xá. |
![]() |
Nghi thức tế lễ tại đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan. |
![]() |
![]() |
Toàn cảnh buổi lễ rước trong ngày khai mạc lễ hội truyền thống đền, chùa Bà Tấm năm 2025. |
Đền Bà Tấm, hay còn gọi là đền thờ Nguyên Phi - Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, nằm tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3 năm Giáp Thân (1044), mất ngày 25/7 năm Đinh Dậu (1117). Bà xuất thân trong một gia đình làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, Bà nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, nết na, dịu hiền, cha Bà là ông Lê Công Thiết và mẹ là bà Vũ Thị Tình quê làng Thổ Lỗi sau đổi thành Hương Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Trở về hương Thổ Lỗi/ Siêu Loại gặp lại cuộc xe duyên trời định giữa bậc quân vương (Lý Thánh Tông) với người con gái làm nghề tằm tang được sử liệu ghi chép: "Quý Mão năm thứ 5 (1063), vua tuổi lớn, 40 tuổi chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa... Tục truyền, vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy cho đưa vào cung, phong làm "Ỷ Lan phu nhân" xây riêng cho Bà cung Động Tiên (thuộc vào khu vực phố Đông Thành, ngõ Tạm Thương thuộc quận Hoàn Kiếm ngày nay) và đặt tên là Cung Ỷ Lan để nhớ lại sự tích cô gái tựa gốc cây lan buổi đầu gặp gỡ.
(Sau đó, Ỷ Lan phu nhân có mang sinh ra Hoàng tử Càn Đức (1066) được lập làm Hoàng thái tử, bà được phong làm Thần Phi. Năm 1068, mùa xuân, tháng 2, Thần Phi Ỷ Lan sinh tiếp Hoàng tử Minh Nhân vương. Sau đó, từ Thần Phi Bà được thăng làm Nguyên Phi).
Năm 1069 Vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc ở Chiêm Thành, Bà nắm quyền nhiếp chính xây dựng được khối đoàn kết, đảm bảo cho bộ máy triều đình hoạt động hiệu quả như: cứu dân đói, trị tham nhũng góp phần chi viện cho trận tiến công chống quân Chiêm ở phương Nam.
Tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, Hoàng Thái Tử Càn Đức nối ngôi, lấy vương hiệu là Lý Nhân Tông, Bà là Hoàng Thái hậu nắm ngôi nhiếp chính từ 1073, lần nhiếp chính này Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã thực sự nắm quyền triều chính, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Bà đã cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt lãnh đạo quân và dân Đại Việt, đánh bại quân Tống giữ vững giang sơn vào các năm 1075-1077. Đất nước hòa bình, Bà cùng với triều đình đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giáo dục khoa cử và tuyển dụng nhân tài cho đất nước như: "xuống chiếu cầu người nói thẳng"; "cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân"; " chọn quan viên quan chức người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám"; "thi lại viên bằng thư"; "viết chữ toán và hình luật"; nạo vét sông ngòi tạo điều kiện cho giao thông đường thủy thuận lợi; Bà cùng nhà vua thi hành nhiều chính sách nhằm phát triển và bảo vệ sức sản xuất nông nghiệp như: cày ruộng tịch điền, khuyến khích dân trồng dâu chăn tằm, dệt vải, đắp đê ngăn nước, nghiêm trị và trị tội nặng những kẻ trẻ trộm trâu.
Thực thi chính sách nhân nghĩa như: những năm đại hạn thì giảm hoặc tha tiền tang thuế, thả tù, phát tiền trong kho cho chuộc lại những con gái nhà nghèo đã bán đợ mình, đem gả cho những người góa vợ. Bà còn là người sùng phật, sử chép: " riêng Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đã dựng đến 100 ngôi chùa"... chẳng vậy mà Bà được ví như Quan Âm nữ.
Đền Bà Tấm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật năm 1996. Cùng với tượng đôi sư tử đá ở chùa và khám thờ sơn son thếp vàng trong đền Bà Tấm được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 15/1/2020.
Quần thể khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan gồm chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong một khuôn viên rộng có sân, nhà thủy đình, cây xanh các loại. Nằm ở phía tay trái, trước cửa đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là đôi rồng chầu bằng đá phủ phục, với đường nét, chạm khắc tinh xảo.
Đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, có kiến trúc theo lối cung đình thời Lý, có 72 cửa, thuộc loại cổ nhất nước ta. Cách không xa đền, phía tay phải có ngôi chùa mang tên Linh Nhân tư Phúc Tự.
Hậu cung đền có tượng bà Tấm và sáu tượng nữ khác gọi là lục bộ. Gian ngoài có đặt một số đồ thờ và chiếc ngai, trên ngai có bài vị ghi “Lý triều đệ tam hoàng thái hậu” và một vài bia ký ở hai gian bên cạnh. Đặc biệt, có bộ khám long đình niên đại thời Mạc.
Lễ hội đền Bà Tấm được tổ chức từ ngày 19 - 21.2 (âm lịch) hằng năm, chính hội là ngày 20.2, tương truyền là ngày đăng quang của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, người đã hai lần thay vua nhiếp chính, giúp cho đất nước yên bình, thịnh trị.