Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng

TPO - Hầu hết khách du lịch quốc tế và nội địa đều cho rằng Chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được xếp trong top 10 chợ nổi ấn tượng châu Á và thế giới. 

Ngày 30/11, ngày hội du lịch văn hóa Chợ nổi Cái Răng thành phố Cần Thơ, lần thứ VIII năm 2024 diễn ra.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thái Bảo - Phó chủ tịch UBND quận Cái Răng - cho biết, những năm gần đây, du lịch đã và đang trở thành những món ăn tinh thần của đời sống xã hội. Những giá trị mộc mạc của thiên nhiên, đặc biệt cảm nhận và thụ hưởng cảnh quan sinh thái là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 1

Khách quốc tế tham quan chợ nổi vào sáng 30/11. Ảnh: Hòa Hội

Ông Nguyễn Thái Bảo giới thiệu, Chợ nổi Cái Răng nằm trên sôngCần Thơ, trục đường thủy chiến lược sông Hậu - Kênh xáng Xà No, rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nơi đây từ lâu đã thành điểm trao đổi hàng hoá, giao thương của nhiều tàu thuyền của thương lái, người dân. Hiện có khoảng 200 - 250 ghe, tàu mua bán, trao đổi hàng hóa (có lúc lên đến 300, 400 ghe), trong đó số lượng neo đậu cố định khoảng 150 chiếc và từ nơi khác đến khoảng 100 chiếc.

Hàng hóa của Chợ nổi Cái Răng phong phú và đa dạng, từ trái cây, rau củ quả, tới các loại hoa, kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ...

Cũng theo ông Bảo, Chợ nổi Cái Răng cũng mang đậm hình ảnh, văn hoá truyền thống vùng sông nước, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm ngày càng nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày có 200 - 400 lượt ghe, tàu đưa khách du lịch đến tham quan chợ nổi.

"Chợ nổi Cái Răng đã trở thành thương hiệu du lịch của TP. Cần Thơ. Hầu hết khách du lịch quốc tế và nội địa đều cho rằng Chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được xếp trong top 10 chợ nổi ấn tượng châu Á và thế giới", ông Bảo nói.

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 2

Du khách Pháp trải nghiệm chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch, sở ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chợ nổi Cái Răng, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch.

"Lượng khách tham quan, du lịch tới Chợ nổi Cái Răng tăng cao thời gian gần đây góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao vị thế, hình ảnh du lịch của quận Cái Răng nói riêng, của Thành phố nói chung”, ông Hiện nói.

Năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Hội thi Trưng bày mô hình ghe - tàu - cây bẹo mua bán nông sản tại Chợ nổi; Ngày hội trái cây và ẩm thực văn hóa; Hội thi Nét đẹp áo bà ba xưa và nay quận Cái Răng lần thứ II năm 2024; thưởng thức Đờn ca tài tử trên sông; Hội thi Đàn hát dân ca Nam Bộ; đua ghe composite và các trò chơi dân gian... Dịp này, ban tổ chức giới thiệu nghi thức Lễ hội Tống Phong, một lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm giá trị văn hóa tâm linh có từ lâu đời của người dân miền sông nước Nam Bộ.

Năm nay, tổng số lượt khách tham quan, du lịch đến Cần Thơ khoảng 6,3 triệu lượt, tăng 06% so với cùng kỳ; trong đó Khách lưu trú, ước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023.

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 3

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Hòa Hội

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 4

Khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 5

Khách chụp ảnh mua bán trên sông. Ảnh: Hòa Hội

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 6

Khách trải nghiệm cuộc sống thương hồ trên sông. Ảnh: Hòa Hội

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 7

Một du khách Pháp ấn tượng về chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 8

Người dân mua bán trái cây trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội

Khách Tây háo hức đi chợ nổi Cái Răng ảnh 9

Thương hồ mua bán trên sông tại chợ nổi. Ảnh: Hòa Hội.

Tin liên quan