Khách hàng mòn mỏi đòi bồi thường bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2023, số lượng hợp đồng, doanh thu phí mới của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm mạnh nhưng chi trả bồi thường tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Việc doanh nghiệp bảo hiểm làm chặt quy trình thẩm định khiến nhiều khách hàng khốn khổ khi đòi quyền lợi bồi thường.

Bị hủy hợp đồng bảo hiểm khi qua đời

Thời gian qua, nhiều khách hàng bức xúc về việc chi trả quyền lợi bảo hiểm với nhiều thủ tục phức tạp. Anh Xuân Tiến (Hà Nội - người mua bảo hiểm của Tổng Công ty cổ phẩn Bảo hiểm Bưu điện - PTI) chia sẻ, gia đình làm thủ tục bồi thường cho sản phẩm sức khỏe cho người thân điều trị nội trú tại bệnh viện. Tuy nhiên, đơn vị thẩm định bảo hiểm yêu cầu nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp khiến gia đình không thể đáp ứng.

Khách hàng mòn mỏi đòi bồi thường bảo hiểm ảnh 1

Một số đại lý tư vấn bảo hiểm làm sai khiến khách hàng mua bảo hiểm khốn khổ khi đòi quyền lợi bồi thường. Ảnh minh họa

“Người được bảo hiểm nằm viện điều trị, khi tôi làm thủ tục thanh toán, đơn vị bảo hiểm từ chối chi trả tiền giường bệnh và yêu cầu phải ghi rõ trong hóa đơn điện tử của bệnh viện trong khi bệnh viện không xuất lại hóa đơn đỏ, tách biệt từng khoản như bảo hiểm yêu cầu. Thủ tục bồi thường bảo hiểm phức tạp, yêu cầu bổ sung nhiều loại hồ sơ như thế khiến khách hàng nản chí trong hành trình nhận quyền lợi bồi thường bảo hiểm”, anh Tiến cho biết.

Chị Nguyễn Trúc (Hà Nội) chia sẻ, em trai chị là NTT mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm nhân thọ trị giá 18 triệu đồng/năm, bắt đầu từ ngày 5/1/2023. Đến tháng 6/2023, anh T nhập viện điều trị và được bảo hiểm nhân thọ chi trả số tiền nằm viện 2,9 triệu đồng. Đến tháng 10/2023, anh T qua đời do tai nạn giao thông.

“Sau khi em trai qua đời, gia đình làm thủ tục bồi thường bảo hiểm nhưng công ty bảo hiểm nhân thọ từ chối chi trả và thông báo hủy hợp đồng từ ngày ký vì các bệnh lý nền trước đó nhiều năm. Gia đình tôi rất bức xúc vì công ty bảo hiểm đang thiếu tính nhân đạo và nhập nhèm để trốn nghĩa vụ thanh toán”, chị Trúc cho biết.

Theo chị Trúc, khi công ty từ chối chi trả, gia đình trao đổi với đại lý bảo hiểm mới biết, việc không khai kỹ hồ sơ y tế do đại lý tư vấn không hỏi kỹ. Ngoài ra, anh T tử vong do tai nạn giao thông, không thể lấy lý do kê khai không trung thực để hủy hợp đồng.

Trường hợp xảy ra với chị Trúc, anh Tiến là thực tế của nhiều khách hàng đang gặp khó với thủ tục bồi thường bảo hiểm. Số lượng vụ án khiếu kiện về bảo hiểm tăng mạnh.

Theo công bố của Tòa án nhân dân Tối cao, năm 2023 có 52 vụ kiện đã có bản án, gấp hơn 3 lần so với năm 2022. Có 17 công ty bảo hiểm bị khách hàng khởi kiện, gồm ABIC, VNI, Bảo Minh, Liberty, Prudential, DaiIChi, Aviva, MB Ageas Life, Hanwha Life, Bảo hiểm Bảo Việt, PTI, Manulife, PVI, PJICO, VBI, BSH. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu gần 46,4 tỷ đồng...

Tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm thua kiện, phải bồi thường gần 39 tỷ đồng. Những tranh chấp bảo hiểm chủ yếu liên quan đến việc công ty bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm ô tô, sức khỏe, con người, tàu cá, tài sản… dẫn đến khách hàng khiếu kiện.

Sẽ tăng nặng mức phạt vi phạm bảo hiểm

Về việc doanh thu phí giảm, chi trả bảo hiểm tăng khiến thị trường bảo hiểm khó khăn, Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022. Thực trạng này do kinh tế khó khăn và bất cập trong tư vấn bán hàng. Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp tăng tới 31,3%.

“Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân”, Bộ Tài chính cho biết.

Doanh thu giảm, bồi thường bảo hiểm tăng mạnh đã khiến doanh nghiệp bảo hiểm rục rịch tăng phí. Chị Nguyễn Thanh (Hà Nội) - đại lý bảo hiểm của Manulife cho biết, mức chi trả đền bù quá lớn, từ năm 2024, Manulife sẽ thay đổi chính sách bồi thường với sản phẩm bổ trợ như Sống khỏe mỗi ngày nội trú mức Bạc, Titan, Vàng.

“Từ năm 2024, Manulife sẽ chi trả 70-80% số tiền viện phí, khách hàng tự chi trả 20-30% viện phí còn lại. Phí sản phẩm tăng lên gấp rưỡi. Ví dụ, quyền lợi Sống khỏe mỗi ngày nội trú bạc sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/năm”, chị Thanh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang rà soát sản phẩm, điều chỉnh để phù hợp với quy định mới. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, đang rà soát điều chỉnh phí bảo hiểm. Mức điều chỉnh bao nhiêu, doanh nghiệp đang chờ báo cáo Bộ Tài chính trước khi công bố.

Bộ Tài chính cũng đang đề xuất mức phạt với vi phạm bảo hiểm. Tại bản mới nhất của Dự thảo Nghị định sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính trong kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất tăng nặng mức phạt tiền, lên tới 100 triệu đồng. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Theo chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán, những lùm xùm của thị trường bảo hiểm đã khiến lòng tin của nhà đầu tư suy giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí bồi thường bảo hiểm tăng mạnh. Theo ông Trần Nguyên Đán, các hành vi như tư vấn không đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ, khiến khách hàng hiểu lầm bản chất của bảo hiểm cần xử phạt nặng hơn nữa.

“Cơ quan chức năng cần thêm hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm. Sau khi xử lý, cơ quan chức năng cần công khai doanh nghiệp, đại lý có vi phạm để răn đe, tránh lặp lại những lỗi tương tự”, chuyên gia Trần Nguyên Đán kiến nghị.

Năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn và những lùm xùm trong tư vấn bán hàng. Số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp tăng tới 31,3%.

MỚI - NÓNG