Đại diện các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc xử lý rác thải nhựa.
Vấn đề xử lý rác thải nhựa có thể "ngốn" khoản tiền khá lớn của các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Hoàng Dương. |
Ông Lương Thanh Nam - Tổng Giám đốc Công ty Vietsolutions, chuyên cung cấp giải pháp du lịch tại Việt Nam - cho biết: "Dù có nhận thức rồi, nhưng chi phí chuyển đổi là đáng kể. Điển hình như trong quá trình giảm thiểu rác thải nhựa, điều đang được chú ý là không dùng các chai mỹ phẩm dung tích nhỏ. Nếu tính nhanh một phòng 4 chai, 1 khách sạn cỡ trung có 100 phòng thì 1 ngày là 400 chai. Nếu chuyển đổi từ chai nhỏ sang chai lớn thì phải đầu tư khá lớn, lên đến 100 triệu. Chưa kể những chai nhỏ còn tồn không thể xử lý hết được".
Nếu không thể giải quyết triệt để về vấn đề rác thải, một số điểm đến du lịch ở nước ta sẽ rơi vào tình trạng báo động. Điển hình như vào cuối năm 2023, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel đưa vịnh Hạ Long vào danh sách “No list 2024” (các điểm nên dừng ghé thăm trên thế giới trong năm 2024) bởi yếu tố rác thải.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam - nhận định: "Khách du lịch quan tâm hàng đầu về vấn đề môi trường. Vì vậy, muốn tạo dựng thương hiệu, hình ảnh của điểm đến du lịch, chính quyền địa phương phải nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện những cá nhân vi phạm, thậm chí đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới cảnh quan".
Về vấn đề ở vịnh Hạ Long, nhiều chuyên gia đồng ý nên rời toàn bộ tàu chở khách kém chất lượng, sở hữu động cơ quá ồn, thải nhiều khói và rò rỉ dầu cần phải tu sửa hoặc loại bỏ, di chuyển hẳn ra khỏi vùng vịnh. Những tàu không đảm bảo an toàn lưu trú cho du khách thì chỉ nên di chuyển trong ngày. Tất cả tàu chở khách phải đáp ứng tiêu chí về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của Bộ Giao thông vận tải.
"Chúng tôi nghĩ vấn đề này vẫn trong tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Quan trọng là thực thi như thế nào", Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Tại chương trình “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững" diễn ra ngày 12/4, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - nhận định, xu hướng du lịch Xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Ông Siêu nhấn mạnh "xanh" ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc mà là quá trình xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Hội chợ VITM tổ chức nhiều tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức về quản lý du lịch bền vững. Ảnh: An Trần. |
Đứng trước những thách thức về quá trình "xanh hoá" ngành du lịch, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho biết rằng Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) có vai trò quan trọng.
Theo ông Thành, có 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững khu vực ASEAN bao gồm tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo, hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, đa dạng giá trị văn hóa và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, sức khoẻ, an ninh, an toàn.