Khắc phục hậu quả ở vùng sạt lở Quảng Nam: Chủ tịch huyện lo, nếu mạnh tay nhà thầu sẽ 'chết'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau 4 năm, kể từ trận mưa lũ lịch sử (tháng 10/2020) đến nay, việc khắc phục các tuyến đường liên xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn còn dang dở dù các dự án với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã triển khai. Trong khi đó, chính quyền huyện không dám mạnh tay với nhà thầu đang thi công chậm trễ vì lo doanh nghiệp sẽ… “chết”.
Khắc phục hậu quả ở vùng sạt lở Quảng Nam: Chủ tịch huyện lo, nếu mạnh tay nhà thầu sẽ 'chết' ảnh 1
Sau 4 năm, các tuyến đường lên các xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn ngổn ngang. Ảnh: Nguyễn Thành

Nơm nớp lo sạt lở

Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim là những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong trận mưa lũ lịch sử năm 2020. Sau hơn 4 năm chúng tôi quay lại vùng sạt lở vẫn thấy nơi đây ngổn ngang các tuyến đường, dù những dự án tái thiết đã được triển khai 3 năm nay.

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường DH1, DH2, DH5… nối các xã vùng cao của Phước Sơn. Trong đó, tuyến đường DH1 có vốn đầu tư hơn 135 tỷ đồng, DH2 hơn 130 tỷ đồng, DH5 gần 80 tỷ đồng. Các dự án đều do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.

Dù đang là mùa nắng, nhưng các dự án triển khai thi công cầm chừng, nhiều đoạn bị bỏ bê, không thấy bóng dáng phương tiện, nhân công. Các tuyến đường lên vùng sạt lở đất đá vẫn lởm chởm, chỉ xe tải, xe gầm cao mới qua lại được.

Đoạn đường DH5 từ xã Phước Công lên Phước Lộc đoạn từ Cầu Khỉ lên cầu Nước Mắt ngổn ngang, những tảng đá lớn nằm chỏng chơ dọc đường, phương tiện di chuyển phải luồn lách né tránh. Tương tự, các đoạn đường từ xã Phước Lộc qua Phước Thành chưa được khắc phục hoặc khắc phục dang dở. Khu vực Đồi Chim của xã Phước Kim, Cầu Ván (xã Phước Thành)… giao thông vẫn là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương.

“Ám ảnh sạt lở, mỗi lúc mưa chúng tôi có việc phải đi ra đường là không biết sống chết lúc nào vì đồi núi tan hoang, đường sá lởm chởm, rất dễ bị cuốn trôi xuống vực sâu”, ông Hồ Văn Đức, một người dân xã Phước Lộc, cho biết.

Theo ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc: Sau sạt lở cuộc sống người dân dần ổn định, tuy nhiên việc đi lại hết sức khó khăn, dù xã và dân đã nhiều lần kiến nghị huyện đốc thúc các nhà thầu thi công. “Mỗi lần có bão hay mưa lớn chính quyền phải tuyên truyền vận động để bà con không ra đường đề phòng sạt lở, lũ ống. Xã cũng phải lo tích trữ lương thực cho các thôn, bởi chỉ cần xảy ra sạt lở là cả xã sẽ bị cô lập”, ông Long cho biết.

Xử phạt, sợ tác dụng ngược (?)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp, liên danh trúng thầu sau một thời gian ngắn thi công ào ạt thì dừng, làm cầm chừng hoặc bỏ bê, liên tục kêu than vì giá vật liệu tăng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tuyến DH1 đã được thi công gần hết thời gian theo kế hoạch nhưng mới hoàn thành khoảng 45% khối lượng, đơn vị thi công cam kết đến 31/10 sẽ hoàn thành 80% và xin gia hạn đến đầu năm 2025. Đối với tuyến DH2 cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thiện cấp phối mặt đường, các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục được thi công. Riêng tuyến DH5 vướng 4km từ Cầu Khỉ lên cầu Nước Mắt nhà thầu cam kết sẽ thi công, huyện đang theo dõi.

Giải thích việc chậm trễ khắc phục, ông Trung liệt kê một loạt khó khăn, trong đó có việc giá vật liệu tăng cao so với dự toán năm 2021 nên các nhà thầu vừa thi công vừa nghe ngóng giá vật liệu. Đến năm 2023 khi giá vật liệu giảm, đơn vị thi công mới tập trung thi công trở lại.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của huyện trong việc đánh giá năng lực, lựa chọn các nhà thầu, ông Trung cho biết: Sạt lở xảy ra tháng 10/2020 nhưng việc đầu tư phải mất 1 năm mới thực hiện được. Những công trình ở Phước Sơn không được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp mà theo trình tự thủ tục đầu tư công, phải đấu thầu.

Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, tốc độ bố trí vốn của tỉnh cho các dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, huyện phải dùng ngân sách để thanh toán trước cho nhà thầu. Cụ thể tuyến DH1 mới bố trí được 81 tỷ đồng, DH2 mới bố trí được 51 tỷ, DH5 mới bố trí 21 tỷ đồng.

“Nhà thầu được quyền liên doanh và cung cấp thông tin theo hồ sơ dự thầu. Khi xét thầu, những nhà thầu tham gia đấu thầu đảm bảo đủ năng lực theo hồ sơ mời thầu. Họ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì không có quyền loại họ ra khỏi cuộc chơi và buộc phải công nhận trúng thầu”, ông Trung giải thích.

Về việc xử lý các nhà thầu thi công chậm trễ, bỏ bê các dự án, Chủ tịch huyện Phước Sơn cho rằng, nếu chấm dứt hợp đồng để đấu thầu lại thì hệ lụy càng lớn. Do đó, biện pháp hiện nay của huyện chủ yếu là hỗ trợ, “động viên” các nhà thầu thi công, dù họ vi phạm cam kết!

“Thường vụ huyện ủy cũng đã chất vấn việc này, nhưng nếu chấm dứt hợp đồng đấu thầu, thanh toán khối lượng đã thực hiện, phần khối lượng còn lại lắp vào đơn giá hiện nay sẽ vượt tổng mức dự toán rất cao. Việc này sẽ phải trình HĐND tỉnh xem xét, mức đầu tư cũng sẽ tăng và tốn thời gian để hoàn thành lại thủ tục đầu tư”, ông Trung cho biết.

Riêng biện pháp xử phạt các nhà thầu, ông Trung cho rằng: Xử phạt có khi mang lại tác dụng ngược. “Chủ trương chung là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp sống. Nếu làm mạnh tay, coi chừng doanh nghiệp sẽ chết. Doanh nghiệp chết sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề khác”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG