8/11 dự án đầu tư theo hình thức BOT
Ngày 3/11, báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án có tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh. Đáng lưu ý, theo Bộ GTVT, trong tổng số 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn này thì có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).
Về việc này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT. Đối với 3 dự án thành phần còn lại, để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ so sánh hai hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó.
Vì sao có dự án chỉ 15 km?
Liên quan đến nguồn vốn nhà nước hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cho dự án, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án BOT hơn 27.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Về quy mô dự án, theo ông Vũ Hồng Thanh, còn một số ý kiến đề nghị dự án cần theo quy hoạch đã được phê duyệt với quy mô 4 - 6 làn xe theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp. Tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 - 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.
Tán thành với phương án phân chia thành các dự án thành phần, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km, sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.
“Các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng về các dự án BOT
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các đoàn về đề xuất chất vấn tại kỳ họp thứ tư, một trong số những nội dung đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng là vấn đề về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng đặt trạm thu phí không đúng vị trí, cơ sở tính toán phí giao thông, thời gian hoàn vốn quá dài làm lợi cho nhà đầu tư, thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông trong các dự án đầu tư BOT giao thông.