Chuyện cụ Năm Lại
Chúng tôi tới Phan Thiết đầu tháng 12/2020, trong dịp tại TPHCM có thông tin xuất hiện một số ca nhiễm COVID-19. Không khí khu du lịch Mũi Né, Phan Thiết vốn đã vắng vẻ từ đầu năm lại càng vắng vẻ hơn. Những đồi cát vốn đông kín người trượt ván, giờ thời tiết đẹp như bức tranh nhưng chỉ vài chục khách lên khám phá, nhiều người vội đi xuống vì quá vắng vẻ.
Một trong số rất ít người vẫn bám trụ nơi đồi cát là cụ Năm Lại, năm nay 71 tuổi, người chuyên cho thuê ván trượt. “Gia tài” của cụ chỉ là một miếng ván trượt duy nhất có ghi tên mình. Cụ nói: “Tôi mù chữ, làm gì cũng phải điểm chỉ. Bốn đứa con, nay ba đứa lập gia đình, kinh tế eo hẹp. Đứa con trai lớn vẫn ở cùng tôi, nó bị bệnh tim, đem vào viện ở TPHCM khám, bác sĩ bảo mổ, nhưng chúng tôi không có tiền nên lại kéo nhau về”. Cụ Năm Lại kể: “Tôi định bán ngôi nhà nhỏ để mổ tim cho con, nhưng nhà tình thương nên tôi không dám bán mà bán cũng không ai dám mua”.
Cụ Năm Lại có mấy chục năm làm nghề cho thuê ván trượt. Cụ biểu diễn nhiều kỹ thuật trượt ván đồi cát rất diệu nghệ như trượt sấp, trượt ngửa, trượt bay. Cuộc sống cơ cực mà cụ luôn vui vẻ với du khách, leo khắp đồi cát mướt mồ hôi để chỉ dẫn cho mọi người cách chơi. Cụ bảo: “Tôi chỉ có mỗi một miếng ván, cho trẻ con thuê thì 20.000đ/ lượt, người lớn thì 30.000đ/ lượt. Không tính thời gian, khi nào khách mệt, trả lại ván thì tôi cho người khác thuê. Những ngày đông khách cũng được chừng trăm ngàn, còn dịch bệnh COVID-19 thế này cả tuần không có khách”.
Phóng sự ảnh về cụ Năm Lại đăng trên Tiền Phong Online, chỉ riêng trên một trang mạng đã thu hút hơn 350.000 lượt xem và bình luận, nhiều trang khác cũng thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Rất nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn cùng nhau giúp cụ Năm Lại vượt qua lúc khó khăn.
Suối Tiên không thấy tiên
Từ những đồi cát vắng hiu, chúng tôi đi xuống suối Tiên, con suối thường khi tấp nập du khách nhưng giờ chỉ lạnh lùng một dòng nước mát uốn quanh. Chị Trúc bán nước dừa bên bờ suối thấy khách tới, nhưng cũng chẳng thấy thế làm vui: “Đầu tuần chúng em đóng cửa không bán. Hôm nay cuối tuần lác đác dăm chục khách lội suối. E ngại dịch bệnh nên khách chẳng buồn lên bờ!”.
Tôi ngồi gọi một ly cà phê bên suối Tiên, nhìn qua thấy chốt bán vé tham quan suối Tiên cũng không có bóng nhân viên. Chị Trúc ngậm ngùi: “Dịch bệnh nổ ra, chúng em điêu đứng tiền thuê mặt bằng, tiền điện, chi phí. Bao nhiêu vốn liếng đổ ra cầm cự. Chúng em có 10 phòng cho thuê, nhưng cả tháng chỉ có 3 khách, 5 người khách tới hỏi thuê, họ đóng cửa ngủ cả ngày, chẳng đi đâu, tự đi chợ nấu ăn”.
Chị Lý, chủ một khu khách sạn bên suối Tiên tắc lưỡi: “Khách của chúng tôi chỉ có dăm người Nga bị kẹt lại vì COVID-19. Họ xin thuê phòng giảm giá cả tháng, đợi máy bay về nước. Tôi thấy cám cảnh, cho thuê nguyên tháng chỉ thu 100 USD mà khách còn nợ, không có tiền trả, đang chờ bên nhà gửi tiền qua”.
Khách sạn ngủ yên
Chưa bao giờ khách sạn ở khu du lịch nổi tiếng Mũi Né lại đóng cửa như bát úp nhiều đến thế. Một chủ khách sạn tiết lộ “Nếu chúng tôi mở cửa kinh doanh thì sẽ rất khó nhận được hỗ trợ miễn giảm thuế và các khoản khác nữa. Chi bằng, lúc vắng khách thế này, đóng cửa là cách tốt giữ an toàn sức khỏe cho mình và du khách, thêm nữa lại có cơ sở xét miễn giảm thuế”.
Dọc trục đường ven biển ở Mũi Né, lớp lớp khách sạn không người, sau nhiều tháng, hoa cỏ đã mọc che lối đi, khóa đã hoen gỉ. Những quán cà phê mộng mơ, tráng lệ bên bãi biển ghế chồng lên ghế, chỉ dăm ba quán cóc còn đón khách. Vài du khách chạy xe máy tìm điểm mát xa, spa nhưng họ chỉ thấy cả khu phố đóng cửa không một cánh tay vẫy chào.
Di tích lịch sử tháp Chăm nổi tiếng Po Sah Inư, địa danh du lịch thường đông khách bởi sự cuốn hút từ những nét kiến trúc độc đáo và nó cũng chỉ cách thành phố Phan Thiết chừng 7 km. Trong buổi sáng cuối tuần, chỉ chừng chục du khách đeo khẩu trang ghé thăm di tích.
Anh Tuấn, hướng dẫn viên cho đoàn khách vẻn vẹn 2 người nước ngoài. Anh nói: “Từ tháng 3 tới giờ, đây là chuyến hướng dẫn thứ hai của tôi. Khách này là những người sống và làm việc tại Việt Nam”. Anh Tuấn bảo: “Tôi chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào vì dịch bệnh COVID-19 và cũng không biết phải làm thế nào để được nhận trợ cấp, vì công ty du lịch đã giải tán rồi!”.
“Dù không có công ăn việc làm vì COVID-19 nhiều tháng qua, nhưng tôi vẫn cố gắng theo đuổi nghề hướng dẫn viên. Tôi yêu thích nghề này và gắn bó nhiều năm rồi. Mong rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du khách sẽ trở lại với Phan Thiết và anh em chúng tôi sẽ lại được mưu sinh bằng công việc hướng dẫn du lịch”.
Tính đến giữa tháng 9 năm nay, tỉnh Bình Thuận đón gần 1,9 triệu lượt khách (đạt 26,8% kế hoạch, giảm 58,8% so với cùng kỳ 2019). Nhờ các gói kích cầu du lịch nội địa được áp dụng, nên doanh thu từ hoạt động du lịch Bình Thuận đạt khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bằng 54% so với cùng kỳ 2019.