Khắc ghi lời thề độc lập

Lãnh đạo Hà Nội gặp gỡ cựu chiến binh, thanh niên xung phong.
Lãnh đạo Hà Nội gặp gỡ cựu chiến binh, thanh niên xung phong.
TP - “Trực tiếp được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong lòng chúng tôi trào dâng một niềm hạnh phúc. Tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến, chúng tôi mang lời thề độc lập trong trái tim đi theo hai cuộc kháng chiến”, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chia sẻ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016).

Sục sôi khí thế

Cách đây 70 năm, trước hành động của thực dân Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Quá khứ đã lùi xa nhưng những mốc son lịch sử ấy không thể phai nhòa trong tâm thức các thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến.

Đáp lại lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ông Nguyễn Tiến Năng, cựu thanh niên xung phong đã hăng hái đứng trong hàng ngũ thanh niên xung phong, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Năng cùng các đồng đội hãnh diện, tự hào vì được đứng trong hàng ngũ đoàn quân Anh hùng, đại diện cho ý chí của cả dân  tộc Việt Nam đi đầu trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Từ những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, ông Năng cùng đồng đội, chiến sĩ cả nước cống hiến hết mình, chi viện cho chiến sĩ và nhân dân Thủ đô chiến đấu ác liệt với quân thù, giữ từng căn nhà, từng đoạn đường, góc phố hai tháng trời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, yêu cầu của Chính phủ. 

Ngày đó, ông Năng cùng đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức đảm bảo giao thông thông suốt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Sục sôi khí thế, lực lượng thanh niên xung phong với trên 8 nghìn người không ngại gian khổ, không ngại chiến đấu hy sinh, ngày đêm phá bom, san lấp, làm đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong cả chiến dịch. Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lực lượng thanh niên xung phong được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen thưởng, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Không ngủ quên trên chiến thắng, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lệnh của Bác Hồ, các đơn vị thanh niên xung phong lại hành quân lên biên giới Lai Châu (Trung Quốc), mở đường chiến lược dài gần 100 km. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Năng tự hào.

Trở về Hà Nội, lớp lớp thanh niên xung phong lại góp sức xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Năm 1956, khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Năng được điều động về làm việc tại Văn phòng Thủ tướng, sau đó làm trợ lý cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Gần 50 năm công tác tại Văn phòng Chính phủ, ông Năng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý.

“Trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ thanh niên chúng tôi luôn sẵn sàng”, ông Nguyễn Tiến Năng bày tỏ.

Hoàn thành lời thề

Vào dịp này 70 năm trước, người thanh niên Hà Nội Phạm Hồng Cư, học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) tham gia Việt Minh, là cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp giam cầm.

Sau Cách mạng Tháng 8, ông Phạm Hồng Cư là trung đội trưởng đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, là bộ đội địa phương đầu tiên do Thành ủy Hà Nội tổ chức, cùng lực lượng công an đấu tranh chống sự phá hoại của bọn phản động. Đặc biệt, đơn vị của ông còn vinh dự được tham gia bảo vệ đại lễ ngày Độc lập 2/9.

“Chúng tôi tự hào là thế hệ của một lời thề và cùng với toàn dân hoàn thành lời thề độc lập ấy”. 

Trung tướng Phạm Hồng Cư

“Trực tiếp được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong lòng chúng tôi trào dâng một niềm hạnh phúc. Tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến, chúng tôi mang lời thề độc lập trong trái tim đi theo hai cuộc kháng chiến”, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động chia sẻ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Phạm Hồng Cư lần lượt tham gia các chiến dịch từ biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, và ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), ông Cư vinh dự được đi cùng đội hình về tiếp quản Thủ đô. “Đối với nhân dân cả nước đó là ngày giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi đó là ngày về đích thực”, ông Cư bày tỏ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Cư được cử làm phái viên của Tổng cục Chính trị, tham dự các chiến dịch lớn như đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, đặc biệt vinh dự có mặt vào ngày 30/4, tại Dinh Độc Lập. “Hai tiếng sau khi xe tăng húc đổ cổng chính, chúng tôi tiến vào, ôm nhau trào nước mắt. Một đồng chí ghé vào tai tôi nói, thế hệ chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập. Chúng tôi tự hào là thế hệ của một lời thề và cùng với toàn dân hoàn thành lời thề độc lập ấy”, Trung tướng Cư nhớ lại.

MỚI - NÓNG