Bỏ qua giá trị chiếc xe lên tới 2,7 tỷ đồng (theo lời chủ xe là anh Trần Quang Đức, biệt danh Đức Tào Phớ), phần đông những người quan sát chiếc xe này đều thắc mắc Tron Light Cycle hoạt động như thế nào và người lái có thể đạt tốc độ “ánh sáng” như trong bộ phim viễn tưởng "Tron: Legacy" sản xuất năm 2010?
Tron Light Cycle là bản sao của mẫu xe xuất hiện cùng các nhân vật chính trong phim, thể hiện những màn đua tốc độ không tưởng trong thế giới thực. Chiếc xe sau khi gây ấn tượng trên màn ảnh rộng, đã ra đời sống thật bởi Parker Brothers Choppers - một hãng độ tại Florida (Mỹ) vào năm 2012. Giá bán khi đó của xe vào khoảng 55.000 USD.
Chiếc Tron Light Cycle vừa được Đức “Tào Phớ” mua về Việt Nam chưa công bố các thông số đi kèm. Tuy nhiên, cách thức vận hành của xe gần như không khác so với hình ảnh loại xe tương tự đã xuất hiện ở Mỹ.
Theo nhà sản xuất, chiếc xe hoạt động nhờ động cơ điện 96 V và bộ pin lithium-ion, chạy được 160km sau khi sạc đầy với bộ sạc nhanh chỉ mất 35 phút. Tốc độ về lý thể đạt 160km/h.
Điểm đặc biệt trên chiếc xe này phải kể đến cấu tạo bánh xe không hề xuất hiện mâm, hay nan hoa thường thấy, bề mặt lốp không rãnh và được bao bọc bở lớp vỏ xe phủ kín đến 80% diện tích.
Câu trả lời cho mọi thắc mắc chính là Hubless Wheel – tạm dịch là Bánh không đùm, còn một tên gọi khác là Rim – rider (dẫn động vành). Một thiết kế có từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Về sau, thiết kế bánh này không phổ biến và thường gặp ở các mẫu xe độ hoặc xe concept.
Hubless Wheel đã được phát minh bởi Franco Sbarro vào năm 1989. Nhờ thiết kế lốp và vỏ xe gần như là một, chiếc xe mang tính khí động học tốt hơn hẳn kiểu gắn kết truyền thống. Toàn bộ hệ truyền động được ẩn hoàn toàn bên trong loại lốp bí ẩn này. Cụ thể bánh chuyển động được thông qua xích líp nằm ở vành bánh, cùng vành hãm, vòng bi…tạo nên cơ cấu khá phức tạp.
Chính vì thiết kế hệ truyền động phức tạp như trên nên chi phí chế tạo đòi hỏi độ chính xác cao, khó sản xuất hàng loạt. Nhưng bù lại, về lý thuyết đây là chiếc xe có hiệu suất vận hành cao, phanh an toàn hơn do loại bỏ được nhiều yếu tố gây độ trễ của kiểu mô tô truyền thống có trục bánh tách biệt bộ truyền động.
Tron Light Cycle không phải là một chiếc xe ai lái cũng dễ dù vị trí yên khá thấp, chỉ khoảng 72 cm nhưng có chiều dài lên tới 3,2 mét, cân nặng 400 kg. Đồng thời tay lái nằm ngang ở đỉnh bánh trước, bàn tỳ chân nằm ở bánh sau khiến người lái gần như...nằm xoài ôm chọn chiều dài thân xe. Nó chỉ thực sự thích hợp với thể hình người phương Tây hoặc người có chiều cao tầm 1,8m.
Mặc dù thiết kế của Tron Light Cycle rất đặc sắc, khả năng vận hành tốt nhưng sẽ rất khó để di chuyển ở môi trường giao thông như Việt Nam, nơi mà khả năng đánh lái tránh vật cản, xung đột giao thông giữa hàng ngàn xe máy trên đường được coi trọng hơn kiểu ưu tiên chạy đường thẳng như chiếc xe này.