Nội dung văn bản hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam, năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT gửi các Sở nêu: Bộ SGK của mô hình này sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chờ khung chương trình tổng thể, bộ môn được ban hành để bắt tay vào thực hiện. Chương trình mới sẽ tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, phù hợp với định hướng của VNEN. Bộ sách này được thực hiện phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt.
Phụ thuộc nỗ lực của giáo viên
Cô Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên dạy Khoa học xã hội, Trường THCS Nam Hà (Hà Tĩnh) cho biết, dạy học theo SGK của mô hình VNEN giáo viên không phải soạn giáo án. Về cơ bản, tài liệu đã biên soạn sẵn các hoạt động trong một giờ dạy từ xác định mục tiêu bài học, khởi động đến hoạt động cơ bản, thực hành…
“Tuy nhiên, để giờ học có chất lượng giáo viên chỉ dựa vào tài liệu là chưa đủ mà cần phải tìm hiểu nhiều thông tin, chuẩn bị nhiều phương án để trao đổi với học sinh”, cô Trang nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nếu SGK của mô hình VNEN trở thành một trong những bộ SGK phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông bà cảm thấy lo lắng vì lượng kiến thức ở bộ sách này vẫn rất nặng nề.
Theo bà Hồng, sau hơn một năm áp dụng mô hình trường học mới VNEN nhiều phụ huynh kêu trời không thể hướng dẫn con học bài vì nội dung quá khó.
Giáo viên mang tiếng không phải soạn giáo án nhưng phải lên kế hoạch dạy học, chuẩn bị nhiều tình huống để thảo luận với học sinh rất vất vả.
Bà Hồng cho biết: “Có những tiết học, giáo viên phải viết kế hoạch bài giảng dài 7-8 trang giấy, chưa kể có những giờ học phải chuẩn bị dụng cụ thực hành, thực nghiệm. Nếu SGK như vậy, giáo viên chỉ dạy 10 tiết/ tuần thì có thể tải được nhưng để hoàn thành 19 tiết/tuần thì giáo viên khó có thể làm tròn nhiệm vụ”, bà Hồng nói.
Hiệu trưởng một trường THCS đang thực hiện mô hình VNEN cho rằng, không phủ nhận khi học chương trình VNEN, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn nhưng lớp học quá đông sẽ không hiệu quả.
Theo hiệu trưởng này, nội dung trong tài liệu hướng dẫn vẫn không hề giảm tải, có chăng chỉ là thay đổi phương pháp dạy học. Nếu SGK mới vẫn nặng về kiến thức như vậy làm sao đáp ứng được mục tiêu đổi mới chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực?”, vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ, hiện nhiều trường vẫn đăng ký dạy học theo mô hình VNEN, tuy nhiên Sở khá dè dặt khi quyết định cho các trường theo mô hình này.
Theo bà Lý: “Điều sợ nhất là giáo viên cho rằng, dạy học theo mô hình này sẽ rất nhàn vì không phải soạn giáo án”. Bà Lý phân tích, phương pháp hay nhưng nếu chỉ dạy chung chung, nhóm học sinh khá giỏi sẽ không có ưu thế phát triển. Vì thế, quyết định thành bại của chương trình này phụ thuộc nhiều vào giáo viên.
Mô hình trường học mới (VNEN) áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2016 đề án sẽ chấm dứt giai đoạn hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên đến nay nhiều trường vẫn đăng ký dạy học theo mô hình này.