Theo đó, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan vừa qua, một số doanh nghiệp về hạ tầng cảng biển tháp tùng đã tham gia chương trình tham quan cảng Rotterdam cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam (diễn ra ngày 10/7), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hà Lan, quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn STC Foundation (STC), ông Frits Gronsveld trao đổi Biên bản ghi nhớ về việc Vinalines và STC sẽ hợp tác nhằm phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực hàng hải, cảng biển và logistics cho toàn bộ nhân viên ở tất cả cấp độ của Vinalines cùng các doanh nghiệp thành viên tại các trung tâm đào tạo của STC tại châu Âu hoặc tại Việt Nam.
Hai bên thống nhất làm việc chặt chẽ với nhau trong việc cung cấp các chương trình học bổng cũng như tìm kiếm các nguồn tài chính phục vụ cho các kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Vinalines, trong đó STC đảm nhận các hoạt động đào tạo.
STC cũng tìm kiếm khả năng hỗ trợ Vinalines trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (thuyền viên, lao động có tay nghề cao…) đến làm việc tại các công ty tàu biển, các cảng, doanh nghiệp vận tải, logistics tại thị trường châu Âu.
Ngoài ra, STC cung cấp các dịch vụ tư vấn chất lượng cho Vinalines trong việc triển khai dự án Trung tâm phân phối hàng hóa của Vinalines tại Châu Âu và hỗ trợ Vinalines trong việc thiết lập đội ngũ cán bộ quản lý, phục vụ cho hoạt động của Dự án.
STC Group là tập đoàn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho vị trí điều hành và quản lý trong toàn bộ lĩnh vực logistics và vận tải, cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo cho các ngành nghề bao gồm vận tải, nạo vét, kho vận, quản lý chuỗi cung ứng, cảng biển và các ngành liên quan, vận tải đa phương thức và logistics.
STC đã có hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 và đã hoàn thành nhiều dự án về vận tải thủy nội địa, chương trình đào tạo, đầu tư liên doanh, hỗ trợ sinh viên, cung cấp các chương trình học bổng và hợp đồng lao động, tư vấn cho các công ty và Chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tại Hà Lan tập trung vào thị trường Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ GTVT, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh có buổi thuyết trình trước lãnh đạo Chính phủ, quan chức và các doanh nghiệp hai nước về tình hình phát triển cảng biển Việt Nam.
Với lợi thế tự nhiên là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài và có chỉ số hàng hải (maritime index) là 0,01 (trung bình 100km2 đất liền có 01 km bờ biển), cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới. Dọc bờ biển có nhiều vũng vịnh sâu kín gió, lại gần các tuyến hàng hải lớn của thế giới, Việt Nam rất có tiềm năng trong việc phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế lớn.
Đến hết năm 2016, Việt Nam có 44 cảng biển, với 219 bến cảng hơn 103.000 lượt tàu biển Việt Nam và nước ngoài cập cảng, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 460 triệu tấn (trong đó hàng container đạt gần 12 triệu TEUs). Dự báo đến năm 2030 tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 1.100 triệu tấn (trong đó lượng hàng container đạt hơn 40 triệu TEUs).
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cũng đề nghị phía Hà Lan chia sẻ về kinh nghiệm quản lý và khai thác cảng, phối hợp thu hút và tăng cường hàng đến và đi từ cảng Rotterdam thông qua trung chuyển tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng đề nghị trao đổi về khả năng hợp tác cùng đầu tư và khai thác một số bến cảng và khu hậu cần sau cảng tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Với nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ 80-100 ngàn tỷ đồng (khoảng 4-5 tỷ USD), Chính phủ Việt Nam khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển. Trong đó các cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển ở ba khu vực kinh tế trọng điểm được hết sức quan tâm.
Ba dự án cảng lớn có tính chất trọng điểm ở ba miền Bắc - Trung - Nam được ông Tĩnh nêu lên bao gồm cảng cửa Ngõ quốc tế Lạch Huyện giai đoạn 2020-2025 có thể tiếp nhận tàu 50.000DWT (tàu 100.000 DWT giảm tải) tàu công-ten-nơ đến 6.000 TEU (tàu 8.000 TEU giảm tải), công suất 35 - 41 triệu tấn/năm; 2025 – 2030: tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 100.000 DWT, tàu công-ten-nơ tới 8.000TEU hoặc hơn, công suất 118 - 136 triệu tấn/năm.
Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong Năm 2020: thông qua 1,0 triệu tấn/năm; Năm 2025 thông qua khoảng 1,5-2,0 triệu tấn/năm. Năm 2030 thông qua khoảng 6,0 triệu tấn/năm. Cảng cửa ngõ Quốc tế Vũng Tàu năm 2020 thông qua khoảng 85,7 - 131,1 triệu tấn/năm (5,0 - 8,2 triệu TEU/năm).
Hà Lan là một quốc gia đất hẹp, người đông, không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, Hà Lan đã biết sử dụng thế mạnh của mình là một quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu và giữa các cường quốc kinh tế Anh, Pháp, Đức để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông...Hà Lan hiện đứng thứ 17 trên thế giới về kinh tế, thứ 5 trong EU về quy mô GDP. Dịch vụ là ngành mũi nhọn hết sức phát triển ở Hà Lan, gồm vận tải thủy, cảng biển, sân bay, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và tư vấn. Hơn 30% lượng hàng hóa ra vào EU được bốc dỡ qua cảng của Hà Lan. Cảng Rotterdam trong nhiều năm liền là hải cảng lớn nhất của thế giới, với công suất hơn 400 triệu tấn/năm. Đây là những điều mà phía Việt Nam hết sức quan tâm để học tập kinh nghiệm.