Kết thúc thi THPT quốc gia 2019: Hôm nay bắt đầu chấm thi

Kiểm tra địa điểm chấm thi tại cụm thi Sở GD&ĐT Phú Thọ. ảnh: Nghiêm Huê
Kiểm tra địa điểm chấm thi tại cụm thi Sở GD&ĐT Phú Thọ. ảnh: Nghiêm Huê
TP - Ngay sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, hôm nay 28/6, các sở GD&ĐT và trường ĐH bắt tay luôn vào công tác chấm thi.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội  cho biết, trường được Bộ GD&ĐT giao chấm thi trắc nghiệm tại Lạng Sơn. Ngay từ trước khi tổ chức kỳ thi, trường và sở đã xem xét máy quét cũng như các vấn đề về kỹ thuật. Hiện  tại có 10 cán bộ giảng viên của trường đã sẵn sàng làm nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm trong thời gian tới.

Theo GS Nguyễn Văn Minh, đây là những giảng viên đã từng làm công tác chấm thi trắc nghiệm cho các kỳ thi trước nên yên tâm. Tuy nhiên có mấy điểm lưu ý khi chấm thi trắc nghiệm đối với cán bộ giảng viên của trường đó là thiết bị thay đổi so với trước đây. Vì vậy, trường đã làm việc với sở để xem xét chặt chẽ.

“Khi nào Lạng Sơn bàn giao bài thi trắc nghiệm thì chúng tôi sẽ xuất phát. Trong bất kỳ cuộc thi nào, những người chấm thi đều áp lực vì đòi hỏi độ chính xác, sự nghiêm túc, đúng quy chế. Áp lực trở thành động lực để làm việc cho tốt. Đây là nhiệm vụ quốc gia chứ không phải việc riêng” - GS Minh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho hay, toàn tỉnh năm nay có 8.832 thí sinh. Ngành đã tham mưu cho tỉnh  đối với nơi giao nhận đề thi, bài thi, nơi chấm trắc nghiệm, tự luận  lắp hệ thống camera có thể lưu trữ trong 21 ngày. Đồng thời, tham mưu cho các sở ngành, đặc biệt là lực lượng công an để tăng cường bảo vệ vòng trong, đặc biệt là khu vực đề, bài thi; phối hợp đảm bảo an ninh khu vực ngoài phòng thi.

Theo kế hoạch chung, ngày hôm nay, 28/6, sở  GD&ĐT Lạng Sơn tiến hành họp ban làm phách, triển khai công tác làm phách từ ngày 29/6. Sở đã thuê một địa điểm làm phách và đã có lực lượng công an bảo vệ. Theo chỉ đạo, ngoài lực lượng công an địa phương thì có lực lượng công an của bộ tăng cường khu vực làm phách. Ngày mai, 29/6, Sở sẽ bàn giao bài thi trắc nghiệm, cơ sở vật chất phục vụ chấm bài thi trắc nghiệm cho trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đối với môn tự luận, ông Tuấn cho biết sau khi làm phách xong, chiều 1/7 sẽ họp ban chỉ đạo, cán bộ chấm thi môn tự luận, ngày  2/7 sẽ chấm thi môn tự luận. “Sở đã quán triệt tới toàn bộ cán bộ chấm thi thực hiện nghiêm túc, nắm chắc quy chế, vận dụng đáp án để chấm khách quan, công bằng” - ông Trần Quốc Tuấn nói.

Ông cũng thông tin, Lạng Sơn có trên 8.000 bài thi tự luận, Sở đã huy động hơn 80 thầy cô chấm thi. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với trường ĐH Sư phạm Hà Nội cử các giảng viên tham gia chấm kiểm tra. Theo chỉ đạo chung, sở sẽ chấm kiểm tra 5% số bài thi tự luận định hướng chấm vào những bài điểm cao. Dự kiến cố gắng đến ngày 6, 7/7 kết thúc chấm thi môn tự luận cùng với đó sẽ có kết quả chấm thi trắc nghiệm. 14/7 sẽ công bố kết quả theo quy định của Bộ. “Chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, chấm thi tự luận với hai vòng độc lập, vòng làm phách và vòng chấm thi. Đối với khâu làm phách, các giám thị cũng bị cách ly hoàn toàn và khi chấm thi xong, các thầy cô mới được “giải phóng” - ông Tuấn cho biết thêm.

Phách điện tử là gì

Bộ GD&ĐT cho biết, phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện để khắc phục lỗ hổng có thể dẫn tới tiêu cực. Trong đó, có điểm mới là các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử. Là trường được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm cho Sở GD&ĐT Hòa Bình, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cho biết phách điện tử là một kiểu mã hóa bài thi của thí sinh. Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách của thí sinh, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh. Người chấm thi có tiếp xúc trực tiếp với bài thi cũng không biết của thí sinh nào. Thậm chí tất cả dữ liệu đều được mã hóa và chỉ khi Bộ mở khóa thì mới có thông tin về điểm thi, thông tin thí sinh.

Ban chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH Hà Nội năm nay có 16 người, được chia thành hai nhóm chấm. Trước kỳ thi, trường đã cử người đi tập huấn theo đúng quy trình của Bộ GD&ĐT. Sau đó, tập huấn lại cho toàn bộ những người sẽ tham gia công tác chấm thi của trường. Hôm nay (28/6) sẽ bắt đầu chấm.

“Năm nay có thuận lợi là các lô chấm theo phòng thi, đảm bảo sự chính xác theo từng lô chấm một, quét xong lô nào, sẽ kiểm tra, sửa lỗi và làm lô tiếp theo. Năm 2018, dồn nhiều phòng vào 1 lô. Năm nay, cách làm này sẽ đảm bảo tránh sự sai sót nên quy định mỗi lô chấm là một phòng thi. Khi quét sẽ lâu nhưng đảm bảo độ chính xác cao hơn” - ông Phạm Ngọc Thạch nói thêm.

MỚI - NÓNG