Ngày 21/8, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết, cơ quan chức năng đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu nước trong giếng khoan tự phun tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông, Gia Lai).
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước lấy từ giếng khoan này bình thường, không có yếu tố khác lạ. Tuy nhiên, về nguyên nhân dẫn tới việc giếng nước phun trào, sở này đang đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, kết luận.
Trong khi đó, ông Đàm Xuân Hòa (xã Ia Kly) cho hay, gần một tháng nay, giếng nước trên trong khu đất của gia đình vẫn liên tục phun dòng khí và nước cao hàng chục mét. Gia đình ông Hoà đã thử rất nhiều cách để ngăn chặn nhưng không hiệu quả. Bởi vậy, ông Hoà đang định sẽ lắp một hệ thống phun sương để dẫn dòng khí này tưới mát cho 2.000 cây cà phê đang cần nước. Bởi mùa hạn sắp đến, gia đình ông Hoà rất lo lắng khi giếng khoan không có nước phục vụ tưới cây trồng.
Theo ông Hoà, trước đó để có nước tưới cà phê, ông đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng khoan giếng nước sâu 180m nhưng không thấy nước. Tuy nhiên, sau đợt dư chấn động đất tại tỉnh Kon Tum ngày 28/7, giếng nước có hiện tượng phun mạnh.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các trận động đất có độ lớn 5.0 như tại Kon Tum trưa 28/7 có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước.
Ngoài ra, theo TS Xuân Anh, động đất có thể gây ra nứt đất, gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình, gây sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi.
10h40 ngày 21/8 một trận động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km tiếp tục xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tính đến 14h, đây là trận động đất thứ 4 trong ngày 21/8.
Trước đó vào đầu giờ chiều 20/8, khu vực huyện Kon Plông ghi nhận trận động có độ lớn 4.2, gây rung lắc cho khu vực bề mặt đất xung quanh tâm chấn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, từ đầu năm đến nay, khu vực này ghi nhận trên 200 trận động đất. Trong đó trận động đất trưa ngày 28/7 mạnh 5.0 độ đã gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, nhiều ngôi nhà, công trình công cộng bị nứt nẻ tại khu vực gần tâm chấn.