Sáng 30/8, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã mời Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội đến làm việc thống nhất khảo sát và quan trắc môi trường, lấy mẫu xét nghiệm đất, nước, không khí tại khu vực xảy ra cháy và các khu vực lân cận.
Trung tâm đã lấy các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất để về phân tích trong phòng thí nghiệm và đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông. Kết quả phân tích nhanh lúc 15h20 cùng ngày cho thấy, các thông số như nhiệt độ, bụi… cho thấy ở mức độ bình thường.
Theo thông tin ban đầu của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế các chỉ số như thuỷ ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh - loại máy hiện đại nhất hiện nay, có kết quả thể hiện các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân.
Nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất, các mẫu đất, nước, không khí tại nơi xảy ra cháy sẽ được tiếp tục đưa về phòng thí nghiệm của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường để phân tích, xét nghiệm lần cuối cùng.
Trước đó, khoảng 18h ngày 28/8, một vụ hoả hoạn xảy ra tại Cty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội). Lực lượng chức năng huy động 200 cán bộ chiến sỹ và 35 phương tiện các loại chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn (20 xe chữa cháy, 10 xe trực y tế, cấp cứu, 1 xe cứu nạn cứu hộ, 3 xe téc nước, 1 máy xúc), chỉ đạo lực lượng PCCC cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng các phường lân cận phối hợp chữa cháy, phân luồng giao thông, di chuyển và bảo vệ tài sản của người dân.
Khu vực xảy ra hỏa hoạn được xây dựng từ lâu, diện tích khu vực xảy ra cháy rộng, lực lượng chức năng phải chia thành nhiều mũi tiếp cận hiện trường. Cách khu kho xưởng bị hỏa hoạn khoảng 15m là nơi đặt bồn chứa gas phục vụ sản xuất rất nguy hiểm, lực lượng chữa cháy đã bảo vệ an toàn.
Đêm 28/8, lực lượng chức năng cơ bản ngăn chặn được cháy lan tới các hộ dân liền kề khu vực nhà xưởng và 2 dãy kho thuộc Công ty Cổ phần Động Lực, đồng thời khoanh vùng phun nước và các biện pháp nghiệp vụ không để bùng phát cháy trở lại.
Ngay sau vụ cháy, UBND phường Hạ Dình đã có công văn yêu cầu “các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt, co giật, nôn phải đưa đi khám tại các bệnh viện để được xử lý kịp thời”. Bên cạnh đó “kịp thời thông báo cho UBND phường hoặc trạm y tế phường các trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, các trường hợp nghi ngộ độc do bụi tro tàn dư của cháy”.
UBND Phường yêu cầu người dân tiến hành rửa mắt mũi, xúc miệng họng hàng ngày bằng dung dịch natri clorid từ 4-6 lần một ngày trong thời gian 7-10 ngày sau khi xảy ra đám cháy, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Không sử dụng thực phẩm như rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trồng trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy. Không sử dụng nước tại các bể hở trong bán kính 1km. Sơ tán trẻ em, người già, người ốm ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của đám cháy từ 1-10 ngày để hạn chế ảnh hưởng.
UBND phường cũng yêu cầu người dân thay giặt toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi do cháy bằng cách giặt sạch nhiều lần sau đó ngâm xà phòng nóng trong 70-80 độ. Vệ sinh toàn bộ ngoại cảnh, thau rửa các vật dụng chứa nước, vật dụng sinh hoạt có bám bụi bằng tro. Tiêu hủy các loại rau trái tự trồng trong vòng bán kính 500m.
Theo các chuyên gia môi trường, đèn huỳnh quang chứa một lượng thủy ngân nhất định. Sự cố cháy ở Nhà máy phích nước bóng đèn Rạng Đông có nguy cơ gây ô nhiễm thủy ngân.
Đến ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, UBND phường Hạ Đình đã ký Quyết định thu hồi văn bản thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy cho người dân sinh sống sau vụ cháy tại (Thanh Xuân) do không đủ thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở.
Thủy ngân thuộc nhóm đầu các độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế nêu “Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong”.