Kết quả huy động vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2020 một số định hướng năm 2021

Kết quả huy động vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2020 một số định hướng năm 2021
Năm 2020, ngành Tài chính được Thủ tướng Chính phủ đánh giá đã có một năm thành công nhất trong giai đoạn 2016-2020 trên các lĩnh vực, trong đó có đóng góp không nhỏ của KBNN trong lĩnh vực huy động vốn cho NSNN thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại thị trường trong nước. Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN trong năm 2021, KBNN đã nhanh chóng xây dựng phương hướng, mục tiêu hành động ngay trong những tháng đầu năm.

Với nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường trong nước, đầu năm 2020, KBNN được giao kế hoạch huy động 309.090 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2021 (Nghị quyết 128), KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai huy động bổ sung bù đắp hụt thu ngân sách trung ương (NSTW) do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 là 30.000 tỷ đồng, nâng tổng khối lượng vốn huy động được qua phát hành TPCP lên đến 339.090 tỷ đồng; phù hợp với nhu cầu, tiến độ sử dụng vốn của ngân sách và tình hình thị trường, theo đúng chủ trương của Quốc hội, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay.

Khối lượng huy động từ phát hành TPCP năm 2020 giúp đảm bảo cho NSNN đủ nguồn vốn cân đối chi các dự án, công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ổn định hoạt động của thị trường tài chính, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của thị trường TPCP trong vai trò kênh huy động vốn hiệu quả của NSNN.

Một số thành công nổi bật năm 2020

Tăng về khối lượng

Tổng khối lượng vốn huy động thông qua phát hành TPCP cả năm 2020 đạt 333.042,5 tỷ đồng, bằng 98,2% kế hoạch năm. Khối lượng TPCP đạt mức cao nhất từ trước tới nay, chiếm khoảng 26% của giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Tổng khối lượng TPCP phát hành trong năm chiếm khoảng 93% so với tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên toàn thị trường (tính cả trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do 02 ngân hàng Chính sách phát hành), chiếm khoảng 85% tổng mức vay trong nước của Chính phủ. Nguồn vốn TPCP huy động từ thị trường đã trở thành nguồn vốn quan trọng của trong tổng vốn vay của Chính phủ. Thông qua phát hành TPCP, KBNN giúp NSTW đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư các công trình trọng điểm của đất nước, chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay của Chính phủ, tuân thủ quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đổi mới phương thức phát hành

Toàn bộ khối lượng TPCP do KBNN phát hành (không kể khoản TPCP phát hành để NSNN nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) được thực hiện theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Các thông tin về lịch biểu, kế hoạch đấu thầu phát hành được KBNN thông báo đầy đủ trên các trang điện tử của KBNN, Bộ Tài chính và Sở giao dịch chứng khoán đã hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch mua TPCP trên thị trường, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục như thông lệ của các thị trường trên thế giới.

Tăng kỳ hạn trái phiếu

Theo xu thế chung thị trường hiện nay, KBNN cân đối cơ cấu kỳ hạn giữa các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư. Trong năm 2020, tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn từ 10 năm trở lên chiếm trên 95% tổng khối lượng huy động, thay đổi đáng kể so với năm 2016 (đạt 24,3%); TPCP kỳ hạn dài từ 15-30 năm đang chiếm xấp xỉ 55% tổng khối lượng TPCP phát hành ra thị trường, tăng mạnh so với mức 21,5% của năm 2016. KBNN đảm bảo tuân thủ đúng giới hạn về tỷ lệ kỳ hạn trái phiếu được quy định tại Nghị quyết số 25/2015/QH13 về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội, giúp kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP bình quân mỗi năm, kỳ hạn của cả danh mục trái phiếu cuối năm.

Nếu năm 2016, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân chỉ đạt 8,71 năm thì đến năm 2020 kỳ hạn phát hành TPCP đã đạt 13,94 năm, tăng 5,23 năm so với 2016. Kỳ hạn còn lại bình quân cả danh mục TPCP cuối năm 2020 đạt 8,42 năm, tăng 2,53 năm so với cuối năm 2016. Theo đó, danh mục nợ Chính phủ ngày càng bền vững hơn, giảm áp lực trả nợ của NSNN trong ngắn hạn, góp phần tích cực trong việc thực hiện tái cơ cấu nợ Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Giảm lãi suất phát hành theo lãi suất thị trường

Lãi suất phát hành TPCP được KBNN điều hành theo sát lãi suất thị trường. Mặt bằng lãi suất trên thị trường TPCP cuối năm 2020 ở mức thấp nhất từ trước đến nay, so với thời điểm đầu năm, các mức lãi suất đều giảm khoảng 66-82 điểm, cụ thể: trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 2,28%/năm; kỳ hạn 15 năm ở mức 2,5%/năm, kỳ hạn dài 20 năm ở mức 2,89%/năm và 30 năm ở mức 3,14%/năm. Tính trung bình cả năm 2000, kỳ hạn phát hành bình quân là 13,94 năm, lãi suất phát hành bình quân chỉ ở mức 2,86%/năm. Lãi suất vay giảm đi kèm với kỳ hạn vay tăng góp phần tích cực trong việc tăng cường hiệu quả quản lý nợ, quản lý NSNN khi chi phí vay nợ ngày càng được tiết kiệm đồng thời giảm rủi ro đảo nợ của NSNN. Cuối năm 2020, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam chỉ thấp hơn Thái Lan và Singapore, khẳng định uy tín của Chính phủ Việt Nam trên thị trường tài chính khu vực và quốc tế; đồng thời, lãi suất vay thấp giúp tối ưu chi phí vay nợ cho NSNN.

Thay đổi tỷ trọng nhà đầu tư dài hạn

Hiện nay, các nhà đầu tư trên thị trường TPCP là các công ty bảo hiểm, Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nếu trước năm 2016, các ngân hàng thương mại là nhóm nhà đầu tư lớn nhất, luôn chiếm trên 80% tổng dư nợ TPCP thì đến cuối năm 2020, sở hữu TPCP của các ngân hàng thương mại chỉ còn ở mức 45,2%. Tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng tỷ trọng TPCP do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020. Như vậy, cuối năm 2020, với tỷ lệ sở hữu của nhóm các nhà đầu tư dài hạn là 54,8%, vượt mục tiêu đề ra.

Cùng với việc thực hiện tái cấu trúc danh mục trái phiếu thông qua điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn phát hành trong năm, giai đoạn 206-2020, KBNN đã tổ chức nhiều đợt hoán đổi TPCP nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu để tiếp tục tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, kết quả hoán đổi trong các năm qua còn hạn chế, đặc biệt trong năm 2020, do mặt bằng lãi suất dài hạn xuống rất thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư hoán đổi các trái phiếu cũ đang nắm giữ từ giai đoạn trước có lãi suất cao.

Đánh giá chung, việc tái cấu trúc danh mục nợ của Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung đã tương đối thành công trong giai đoạn 2016 – 2020, với việc xây dựng danh mục nợ công bền vững, bao gồm việc cải thiện cơ cấu kỳ hạn phát hành và cơ cấu nhà đầu tư dài hạn sở hữu trái phiếu.

Nhiệm vụ, định hướng phát hành TPCP năm 2021

Năm 2021, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng cũng là năm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII, đồng thời là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm tài chính ngân sách, nợ công, đầu tư công trung hạn... Với mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngành Tài chính cùng với các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để đạt các mục tiêu cụ thể Chính phủ đề ra như: Tăng trưởng GDP 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Tại Nghị quyết 128, Quốc hội đã phê duyệt tổng mức vay của NSTW năm nay xấp xỉ 580 nghìn tỷ đồng. Nhiệm vụ vay của Chính phủ thông qua phát hành TPCP tại thị trường trong nước được Bộ Tài chính giao KBNN là 350.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong thực hiện vay cho NSNN, KBNN đã đề ra 3 mục tiêu chính:

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP năm 2021, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của NSNN theo kế hoạch trả nợ gốc và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công;

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ thông qua phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP, hài hòa nghĩa vụ trả nợ của NSNN giữa các năm, giảm rủi ro đảo nợ trong ngắn hạn của NSNN và phát triển thị trường TPCP;

Gắn kết chặt chẽ quản lý nợ công, quản lý NSNN và quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) để nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN.

Bên cạnh yêu cầu đáp ứng đủ nguồn vốn cho NSNN, công tác phát hành TPCP của KBNN còn phải gắn huy động vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo vốn vay được sử dụng không lãng phí; phát hành TPCP phải phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư trên thị trường, duy trì lượng hàng hóa cho thị trường giao dịch và thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn, tham chiếu cho các thị trường vốn khác. Với định hướng trên, KBNN đưa ra một số giải pháp đối với công tác phát hành TPCP năm 2021 như sau:

Theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường tài chính tiền tệ, điều hành khối lượng cung trái phiếu ra thị trường phù hợp với nhu cầu các nhà đầu tư, huy động đủ 350.000 tỷ đồng (bao gồm cả phát hành TPCP cho Bảo hiểm Xã hội), duy trì thị trường trái phiếu đầy đủ hàng hóa, hoạt động thường xuyên, liên tục, là kênh huy động vốn hiệu quả của NSNN tại mọi thời điểm.

Tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, thực hiện hàng tuần qua Sở Giao dịch chứng khoán với thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch; phát hành linh hoạt các kỳ hạn TPCP, song song đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư và đảm bảo hài hòa dòng tiền đáo hạn giữa các năm, tránh rủi ro thanh khoản cho NSNN và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Điều hành lãi suất phát hành TPCP theo hướng ổn định, bám sát lãi suất thị trường, phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo khối lượng vốn vay theo nhu cầu sử dụng của NSNN; gắn kết quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công để ổn định thị trường, tăng hiệu quả quản lý nợ và quản lý ngân sách.

Triển khai phát hành trái phiếu chuẩn để nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn theo quy định tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán để tăng cường thanh khoản cho thị trường TPCP.

Ngoài ra, Bộ Tài chính có kế hoạch sửa đổi đối với các nội dung về trích lập dự phòng TPCP tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện nâng cấp hệ thống đấu thầu để việc đấu thầu hoán đổi TPCP trong thời gian tới được thực hiện hoàn toàn bằng điện tử, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường./.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.