Kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia BHXH, BHYT

0:00 / 0:00
0:00
Với hệ thống dữ liệu điện tử Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) được xây dựng và hoàn thiện nhiều năm, mang lại lợi ích cho công tác quản lý, thực hiện chính sách, chế độ liên quan. BHXH Việt Nam còn tăng cường chia sẻ, kết nối với dữ liệu các bộ ngành khác, để khai thác hiệu quả dữ liệu liên thông mang lại nhiều tiện ích vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu BHXH, BHYT của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở y tế; trên 620 nghìn tổ chức sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc... Toàn ngành BHXH đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động. Gần như các hoạt động của ngành BHXH, các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí.

BHXH Việt Nam cũng triển khai ứng dụng VssID – BHXH số, là công cụ hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin về tham gia BHXH, BHYT, BHTN, lịch sử và quá trình thụ hưởng quyền lợi; thực hiện các dịch vụ công…

Kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia BHXH, BHYT ảnh 1

BHXH Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để mang lại tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Để có được những con số ấn tượng trên, ngành BHXH Việt Nam đã luôn tích cực, đi đầu trong chia sẻ, kết nối dữ liệu của ngành với các bộ ngành liên quan. Điển hình, BHXH Việt Nam là cơ quan đầu tiên thực hiện kết nối và khai thác Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Sau khi kết nối dữ liệu dân cư, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thí điểm xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp để xác minh danh tính người bệnh khi làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, làm thủ tục chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... hạn chế tối đa tình trạng trục lợi.

Triển khai thí điểm 2 nhóm Dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai sử dụng dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm từ mức đóng với mục tiêu 100% BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Tích hợp 2 dịch vụ “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” và “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình” nhằm tăng tiện ích cho người sử dụng, tăng số người tham gia BHYT theo hộ gia đình thông qua Dịch vụ công trực tuyến.

BHXH Việt Nam đang đi vào các bước cuối cùng để tiến tới thí điểm đăng ký tham gia, đóng, gia hạn BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

BHXH Việt Nam cũng thực hiện kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp; chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh; chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu chia sẻ với Tổng cục Thuế; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; chia sẻ dữ liệu về học sinh, sinh viên với Bộ GD&ĐT, dữ liệu về BHXH với Bộ LĐ-TB&XH...

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với ngành Công an tích hợp thông tin BHYT của người dân lên Căn cước công dân gắn chíp, điều chỉnh phần mềm để đưa vào sử dụng dịch vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Tới giữa tháng 10 vừa qua, đã có hơn 3,8 triệu lượt tra cứu BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thành công khi khám chữa bệnh BHYT.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện chuyển đổi số, hình thành ngành BHXH số; đảm bảo tất cả các phần mềm của ngành BHXH được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và kết nối, chia sẻ với các bộ ngành liên quan. BHXH Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ từ 90% đến 100% người tham gia được cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân trong Cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý.

Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin mới làm nền tảng phát triển các ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, mang lại lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

MỚI - NÓNG