Kết luận thanh tra số 4365 ở Đắk Lắk: Nhiều khoảng mờ cần làm rõ

TP - Sau 7 tháng tiến hành thanh tra việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế của Sở Y tế Đắk Lắk, đoàn Thanh tra liên ngành mới hoàn tất báo cáo để Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành bản Kết luận thanh tra số 4365. Thế nhưng, trong đó vẫn còn nhiều nội dung chưa được làm rõ. 

Đấu thầu thuốc, nhưng không biết năm trước đã dùng bao nhiêu

Đoàn Thanh tra liên ngành được thành lập theo quyết định số 2902 do tân Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị ký ngày 30/10/2015 (viết tắt là Đoàn 2902), nhận nhiệm vụ thanh tra về việc đấu thầu thuốc (ĐTT) và mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT)từ năm 2011 đến tháng 9/2015.

Khối lượng công việc khá lớn, đó là điều có thể thấy rõ, khi chỉ riêng về ĐTT, Đoàn 2902  phải bóc riêng ra các đợt đấu thầu Sở Y tế (SYT) đã tổ chức từ năm 2011-2015. Theo Đoàn 2902, do Bộ Tài chính đã thanh tra công tác này tại SYT Đắk Lắk 2 đợt trong giai đoạn 2011-2013, phát hiện và thu hồi số tiền trên 514 triệu đồng do SYT Đắk Lắk mua thuốc giá cao hơn giá các đơn vị cung cấp đã kê khai với Cục Quản lý Dược (CQLD), nên đoàn không xem xét lại.

Còn đợt ĐTT 2013-2014, SYT không tổ chức đấu thầu mà xin gia hạn thực hiện các gói đấu thầu từ năm trước, giữ nguyên giá cũ, kể cả những loại thuốc mua giá đắt được Bộ Tài chính chỉ ra, với lý do Thông tư 01 có sự sửa đổi bổ sung, SYT không kịp điều chỉnh. Kết luận thanh tra số 4365 (KLTT) nhận xét: Việc xin gia hạn đấu thầu này là không đúng quy định, trái với chỉ thị của Bộ Y tế, trách nhiệm thuộc về giám đốc SYT qua các thời kỳ. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc tham mưu cho UBND tỉnh cho phép SYT gia hạn đấu thầu. Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo SYT và BHXH tỉnh rà soát lại vấn đề này qua CV số 6946 ngày 21/9/2015. SYT báo cáo: Riêng việc gia hạn các gói thầu năm 2012 đã nâng giá thanh toán 506 mặt hàng thuốc lên 5,5 tỷ đồng so với giá ĐTT các tỉnh giáp ranh.

Với đợt ĐTT 2014-2015, KLTT chỉ ra nhiều khuyết điểm như: Việc lập kế hoạch đấu thầu chưa đủ các thủ tục, không có dự toán thu chi, không có hợp đồng khám chữa bệnh, không phù hợp với niên độ tài chính, hồ sơ mời thầu đã duyệt, không đóng dấu giáp lai v.v... Và đặc biệt đáng chú ý là không có báo cáo đánh giá tình hình thực tế mua và sử dụng thuốc của năm trước.

Vì không đánh giá tình hình mua và sử dụng thuốc năm trước, nên sau khi mở thầu mới 1 tháng, hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng, như báo Tiền Phong phản ánh trong nhiều số báo ra trước đây.

Kết luận thanh tra số 4365 ở Đắk Lắk: Nhiều khoảng mờ cần làm rõ ảnh 1

Nhiều loại TTBYT do SYT mua không dùng được tại các trạm xá xã phường.

Nhiều khuất tất trong mua sắm trang thiết bị y tế

Năm 2015, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã thanh tra về việc mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT tại SYT và các đơn vị trực thuộc. Kết luận thanh tra 38 về nội dung này, phát hiện thủ tục mua sắm và chứng từ hóa đơn thanh toán đầy sai sót, rất nhiều TTBYT hư hỏng không đồng bộ trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng đang “đắp chiếu” ở nhiều đơn vị, nhưng kết luận 38 chỉ kiến nghị các tập thể cá nhân liên quan “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Với KLTT số 4365, tuy một số “khuyết điểm” trong việc mua sắm TTBYT được nhắc lại theo cách lược trích KLTT 38, và có quy trách nhiệm thuộc về giám đốc, kế toán trưởng các đơn vị, nhưng những gì liên quan đến lãnh đạo SYT về vấn đề này lại không được đề cập đến.

Ví dụ điển hình: Chiếc máy hấp rác hỏng từ khi ông Doãn Hữu Long mới mua về vẫn được chuyển trả đủ gần 3 tỷ đồng, Đoàn 2902 tuyệt nhiên không nhắc đến. 

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phải yêu cầu Đoàn 2902 bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan về việc mua sắm TTBYT từ năm 2011 đến tháng 9/2015 cho Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.

Thiệt hại ngân sách gấp nhiều lần 5,5 tỷ

Đoàn 2902 ghi nhận ưu điểm trong đợt ĐTT 2014-2015, là giá trúng thầu giảm, làm lợi cho ngân sách hàng chục tỷ đồng so với giá dự toán, giá kế hoạch, giá kê khai của CQLD.

Một số chuyên gia đã gửi ý kiến phản bác đến báo Tiền Phong, chứng minh cách so sánh này hoàn toàn không đúng. Về điều này báo Tiền Phong đã phân tích, chỉ rõ trong bài  “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Trân trọng cảm ơn và hứa hẹn” đăng từ ngày 26/9/2015: Các tỉnh khác chỉ chấm thầu dựa trên 1 giá do UBND tỉnh phê duyệt, riêng SYT Đắk Lắk chấm thầu trên hai giá: Giá phê duyệt dự toán được xây dựng đúng theo quy trình, và “giá kế hoạch” do SYT tự trình UBND tỉnh phê duyệt.

Để chứng minh rằng việc ĐTT năm 2014-2015 có lợi hay không, điều đơn giản nhất nên làm là so giá của danh mục này với các danh mục thuốc đã trúng thầu tại các tỉnh lân cận trong cùng thời điểm, cùng chủng loại, cùng nhóm.

Từ việc so sánh đó, thực tế cho thấy chỉ riêng việc ĐTT ngân sách bị xâm lạm không dừng lại con số 5,5 tỷ đồng (chúng tôi sẽ phân tích kỹ vấn đề này khi cần thiết).

Dù còn nhiều điều chưa rõ phải chuyển cho Công an tiếp tục điều tra, nhưng trong KLTT số 4365, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho các cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức họp, kiểm điểm, có hình thức xử lý đối với giám đốc SYT và các cá nhân, tập thể thuộc UBND tỉnh trong việc đã tham mưu, phê duyệt sai trái các vấn đề liên quan tới ĐTT cùng với việc, chỉ rõ một số sai phạm trong tham mưu, điều hành thuộc trách nhiệm của giám đốc và kế toán trưởng SYT. 

MỚI - NÓNG