Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc

Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc
TP - Nhiều người coi anh như ông vua kịch câm của Việt Nam hiện nay nhưng làm vua ở một “vương quốc” bị lãng quên chẳng sung sướng gì. Kế Đoàn vẫn phải bươn bả kiếm sống bằng nhiều ngón nghề liên quan đến nghệ thuật. Chỉ có một nghề duy nhất anh làm không công: dạy kịch câm cho học trò câm điếc.
Tranh của nguyễn xuân hoàng
Tranh của nguyễn xuân hoàng.

Tưởng gặp nghệ sỹ kịch câm dễ, thế mà lại khó. Kế Đoàn bận tối mắt với công việc giảng dạy. Anh thú nhận: “Nguồn thu nhập chủ yếu của tôi là đi dạy”. Anh dạy đủ kiểu: dạy người mẫu, dạy khiêu vũ, dạy diễn viên, thậm chí dạy nhiều lớp MC cho trẻ con, cho thanh niên.

Thắc mắc “Nghệ sỹ kịch câm mà lại dạy thiên hạ làm MC, cái nghề mở miệng ra là nói?”. Kế Đoàn tự trào: “Thế mới sợ. Học sinh tròn mắt khi giới thiệu thầy là nghệ sỹ kịch câm”.

Nhân tiện, từ các lớp học người mẫu đến MC, có trò nào dành thiện cảm với môn kịch câm, Kế Đoàn tuyển ngay vào đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện do anh sáng lập và cầm đầu, thành viên chính là bạn trẻ khuyết tật.

Anh hào hứng khoe: “Tiền thân của đoàn nghệ thuật hướng nghiệp chính là CLB kịch múa đương đại những điều kỳ diệu. CLB có cái tên dài dằng dặc tồn tại suốt 10 năm. Sau đó mới thành lập đoàn nghệ thuật này. Lúc hưng thịnh CLB từng có 40 - 50 thành viên. Hồi đó, tôi làm vở Cuộc đua tài dancing tổng hợp, ở Viện Goethe, được tài trợ ăn uống, chỗ biểu diễn, tôi để 50 bạn trẻ lành lặn diễn với 50 bạn câm điếc, buổi biểu diễn đông nghịt. Ai bảo kịch câm không có sức hút?”. Nhưng đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây dăm năm.

Tình thế bây giờ cũng khác, tìm được một “Mạnh Thường Quân” để Kế Đoàn được thỏa sức bay bổng trong giấc mơ nghệ thuật của mình không phải chuyện dễ dàng.

Hành trình 30 năm

Kế Đoàn từng chọn kịch nói làm khởi nghiệp. Đang học kịch nói ở Hải Phòng, tình cờ anh được xem bộ phim có sự tham gia của vua hề Sác-lô, anh mê luôn kịch câm, bỏ kịch nói chạy theo kịch câm, về thủ đô vào học ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh gắn bó với Nhà hát Tuổi Trẻ từ đó đến nay. Chính kịch câm đã cho anh cái duyên đến với người khuyết tật.

Một lần, Ban giám hiệu của Trường phổ thông câm điếc Xã Đàn có yêu cầu Nhà hát giúp đỡ dựng vài tiết mục kịch câm để họ đi diễn giao lưu. Nhà hát phân công anh cùng một vài đồng nghiệp khác đến trường. Việc dạy dỗ học trò câm điếc đã làm nảy sinh tình yêu trong anh.

Từ chỗ dạy theo phân công của Nhà hát, anh đã làm công việc đó một cách tự nguyện. Đến nay, Kế Đoàn đã có thâm niên 30 năm dạy học trò câm điếc, một chặng đường nhiều truân chuyên.

Hỏi người sót lại của kịch câm: “Đã bao giờ anh định “chạy trốn” người khuyết tật chưa?”. Kế Đoàn thành thật: “Chưa bao giờ nhưng cũng nhiều lần nản chí. Vì dạy chẳng lấy tiền nong, thậm chí có lúc còn bỏ thêm tiền túi. Các con đến tập mình phải bố trí nơi tập. Lúc đi thuê, lúc tập tại nhà, lúc bạn bè cho mượn chỗ, song chẳng được bao lâu. Cứ long đong. Có lúc cũng bí bách về vấn đề kinh tế, bởi công việc làm ăn của bà xã không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bà ấy cũng đau đầu, còn mình cứ hì hụi với kịch câm, với người khuyết tật. Gia đình đôi phen cũng lục cà lục cục”.

Nhưng với người nghệ sỹ những khó khăn về tài chính dường như dễ vượt qua, hơn là những thương tổn trong trái tim. Anh chia sẻ: “Các em có lúc nông nổi, không hiểu được lòng thầy. Mình yêu chúng nó, chúng nó chẳng biết gì. Có khi kiếm được một việc làm tương đối ổn, chúng bỏ đi luôn, không nói với thầy một câu nào. Buồn ghê lắm, chán nản. Tuy nhiên không phải em nào cũng thế”.

Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện của Kế Đoàn hiện nay có 15 thành viên, từ 12-20 tuổi, quân số thay đổi thường xuyên.

Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc ảnh 2

Trước mắt, Kế Đoàn sẽ cùng Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt CLB Khuyết tật, do anh chủ nhiệm, với nòng cốt là hội khiếm thính. Anh cũng dự định tới đây sẽ dựng một vở múa đương đại dành cho người mù: “Họ sẽ múa bằng cảm nhận. Chắc chắn rất hay”.

Trong số những học trò khuyết tật anh từng dìu dắt, có những em tài năng và giàu đam mê. Cách đây mấy năm anh dẫn một học trò sang Thái Lan tham dự hội thảo về nghệ thuật dành cho người khuyết tật ở Đông Nam Á, do công chúa Thái Lan tổ chức hàng năm. Màn biểu diễn của thầy và trò nổi đình đám.

Đến hẹn, vừa rồi anh lại sang đất nước chùa vàng, mang theo “đặc sản” là màn biểu diễn của chàng diễn viên chuyên nghiệp với một cô bé câm. Nhờ sáng tạo ra màn biểu diễn thành công này, anh lại nhận được lời mời tham dự liên hoan quốc tế về nghệ thuật quy chuẩn dành cho người khuyết tật sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, tại Ấn Độ.

Thỉnh thoảng thầy và trò được tham gia vài cuộc đình đám còn phần lớn thời gian chỉ dành cho việc dạy và học.

Tuy không có nhiều cơ hội được biểu diễn, song Kế Đoàn vẫn kén chọn sân khấu cho các trò của mình: “Không thích diễn “chợ búa”, phải có địa điểm tử tế là tiêu chí của tôi”. Bởi trong mắt anh, những học trò câm điếc “diễn oách, chuyên nghiệp”, nên xứng đáng đứng trên một sân khấu đàng hoàng.

Người duy nhất nằm trong biên chế

“Ở nước mình bây giờ còn bao nhiêu nghệ sỹ kịch câm?”, tôi hỏi anh. Kế Đoàn bảo: “Chắc là rất ít. Tôi là người duy nhất nằm trong biên chế chính thức”.

Đã từng có người hỏi anh: “Được coi là nghệ sỹ kịch câm số 1 Việt Nam, anh có vui không?”. Hẳn nhiên, được đứng đầu ai chẳng thích nhưng ngậm ngùi thay khi quá vắng người xếp sau.

Kịch câm đang lặng câm trong lòng khán giả. Kế Đoàn lý giải nguyên nhân lụi tàn: “Vì nghệ sỹ không kiếm được tiền, không có sáng tạo mới và nhiều thứ khó nói khác, dẫn đến chán, bỏ”.

Nhưng anh vẫn hy vọng vào sức sống mạnh mẽ của môn nghệ thuật không dùng tiếng: “Chẳng qua là không có kinh phí. Có kinh phí mình mời cả nghệ sỹ kịch câm ở nước ngoài về diễn cho khán giả xem”. Nhưng cái “chẳng qua” mới là cái khó vượt qua.

Hơn nữa, ở cái thời ca hát còn phải kèm chiêu trò mới mong ăn khách thì kịch câm nếu không chịu “thêm mắm, thêm muối” chắc cũng khó lòng sống dậy. Kế Đoàn cũng đã tính tới chuyện thêm “gia vị” cho kịch câm từ “nguồn” tuồng, chèo… sẵn có.

Ở thời kịch câm còn sôi nổi, Kế Đoàn nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả, cũng được xin chữ ký khi kết thúc buổi biểu diễn.

Nhưng mấy chục năm đeo đuổi nghề, chẳng mấy ai nhận ra Kế Đoàn ngoài đời, một mặt vì diễn kịch câm phải trang điểm đậm, mặt khác cũng vì nghề đang bị “thất sủng” nên nghệ sỹ không được “thượng đế” nhớ mặt, nhớ tên cũng là chuyện dễ hiểu.

Kế Đoàn có lối nói chuyện tưng tửng hài hước nhưng “cay”: “Quần chúng nhìn thấy tôi thường bảo trông anh này quen quen. Chắc là họ nhớ tới mấy cái quảng cáo thuốc nho nhỏ mà tôi tham gia phát trên tivi hay cũng có thể là do mấy vai diễn nhỏ của tôi loáng thoáng trên phim truyền hình”.

Anh vẫn giữ tiếng cười khi kể một kỷ niệm được chính anh liệt vào hàng “thê thảm”: “Một lần các trò của tôi diễn chung sân khấu với các em khiếm thị. Đêm đó trời mưa nhỏ, khán giả lơ thơ vài người. Người câm diễn cho người mù xem, còn người mù lại hát múa cho người câm điếc nghe. Thật não nề, chẳng thể nào quên được”.

Cực như dạy trò câm

Dân gian có câu: “Người câm hay nói, thầy bói hay nhìn”. Kế Đoàn tâm sự: “Các trò thường thiếu tập trung, thích nói chuyện trong lớp, tay chân múa may suốt giờ học, mang tiếng dạy kịch câm mà khản cả tiếng, quát trò không được, lại ra vỗ vai từng đứa nhắc nhở”.

Kế Đoàn Dạy kịch câm cho học trò câm điếc ảnh 3

Dựng một tiểu phẩm hoặc một màn múa phải viết ra để trò đọc trước, cố gắng viết thật đơn giản nhưng chưa chắc trò đã hiểu cho, lại phải dặn: “Nếu chưa hiểu thì hỏi lại thầy nhé”. Chỉ cần hơn một năm thâm nhập thế giới của người câm điếc, Kế Đoàn có thể giao lưu với họ thoải mái. Nhưng với anh như thế vẫn chưa đủ. Anh còn cẩn thận quan sát học trò nói chuyện, cập nhật thêm nhiều từ lóng.

Dạy học trò câm điếc, Kế Đoàn không được nghe tiếng gọi “thầy”. “Đứa nào khá thì gọi được tên. Trò cứ kêu “Đoàn ơi” thôi”. Mỗi lần đưa học trò đi diễn xa, anh cũng tốn không ít công thuyết phục các phụ huynh. Bởi họ lo con đi xa sẽ lạc, sẽ mất tích.

Hiện nay, anh còn lôi kéo bạn bè cùng làm từ thiện. Các bạn trẻ được học họa, điêu khắc, âm nhạc… miễn phí đều do nhiều nghệ sỹ hảo tâm. Riêng Kế Đoàn, mỗi tuần bỏ ra hai buổi dạy trò. Những khi có chương trình biểu diễn thì anh dành cả tuần cho trò.

Anh mong muốn thành lập được Trung tâm nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện. Ở đó sẽ có các trường dạy nghề, có các đoàn nghệ thuật, những thầy giáo, cô giáo sẽ có lương, học trò học giỏi được cấp học bổng… nhưng xem ra ước mơ ấy còn xa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG