Kể chuyện sáu ngày trong tay cướp biển

Tàu Sunrise 689 (ảnh to, ảnh: Marine Traffic); Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đang điều khiển con tàu (ảnh nhỏ). Ảnh: do gia đình cung cấp
Tàu Sunrise 689 (ảnh to, ảnh: Marine Traffic); Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đang điều khiển con tàu (ảnh nhỏ). Ảnh: do gia đình cung cấp
TP - Câu chuyện được thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng của tàu Sunrise 689 kể lại qua điện thoại khi đang trên hành trình về vùng biển Vũng Tàu.

Trao đổi qua điện thoại từ tàu Sunrise 689 đang trên hành trình về vùng biển Vũng Tàu, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi) cho biết sau khi tàu rời khỏi vùng biển Singapore đến hơn 3 giờ sáng 3/10, một toán cướp chừng 20 tên đi trên 2 tàu cá tiến gần. Một nhóm khoảng hơn chục tên cướp đã dùng cano áp mạn trèo lên tàu.

Lúc này do mệt mỏi các thuyền viên đã ngủ, toán cướp chia thành các nhóm nhỏ mang theo dao súng đi các phòng khống chế thuyền viên trói lại đưa về phòng máy trưởng nhốt trong đó. Nhóm cướp tỏ ra rất rành về hàng hải nên đã tự vận hành tàu đi theo hướng của chúng.

Anh Trần Quang Vinh, sĩ quan máy 2 tàu Sunrise, kể khi đó Vinh vừa ngủ dậy đang làm vệ sinh cá nhân chuẩn bị nhận ca. Bất ngờ có 3 người đàn ông da ngăm đen đội mũ đen sùm sụp cầm dao, súng tông cửa xông vào. Vinh chưa hiểu đầu cua tai nheo gì đã bị ba tên cướp khống chế, trói nghiến lại đẩy ra hành lang.

Một thủy thủ là Trần Văn Lịch thấy nhóm cướp hoảng sợ bỏ chạy bị vấp vào cầu thang ngã bong gân chân cũng bị bọn cướp bắt trói lại. Lúc này các anh em khác cũng bị bọn cướp trói bắt đứng tập trung tại hành lang. 

Nhóm cướp dùng dao và chân tay phá cửa phòng máy trưởng Lương Đại Thành nhưng anh Thành đã nhảy qua cửa sổ trốn ra ngoài. Tất cả 16 thuyền viên bị đẩy vào phòng máy trưởng, nhóm cướp lăm lăm vũ khí canh chừng.

Có 2 thuyền viên trên tàu không bị bắt nhốt vào phòng là máy trưởng Thành và một thủy thủ. Đến 7 giờ sáng, nhóm cướp đưa một thuyền viên đi quanh tàu gọi tìm kiếm 2 người.

Máy trưởng Thành được phát hiện đang lẩn trốn ở tầng 2 với cái chân bị vỡ bánh chè do nhảy qua cửa sổ trong đêm. Một thủy thủ trốn trong ống khói cũng được tìm thấy. Bọn cướp đưa 2 người “đào tẩu” vào nhốt chung trong phòng. 

Nhóm cướp lên khoang lái và khoang máy tự vận hành tàu chạy. “Chúng có cả người lái và thợ máy. Chỉ khi nào cần thiết lắm, chúng mới đưa em vào điều động máy”-Vinh kể.

Chạy được khoảng 3 ngày thì tàu dừng lại nhưng mọi người bị nhốt trong phòng nên không biết đang ở nơi nào. Ngày đầu tiên, nhóm cướp không cho ai ăn uống gì. Từ hôm sau, mỗi ngày chúng cho ăn một bữa. Cứ gần trưa, chúng đưa đầu bếp vào nấu cho mọi người ăn. 

Chiều 8/10, nhóm cướp lại cho tàu chạy đi chạy lại. Một lát sau chúng cho tàu dừng rồi bắt Vinh và một thợ bơm xuống bơm dầu sang tàu của chúng. Sau khoảng 6-7 tiếng bơm dầu, bọn cướp định đưa tàu đi nơi khác bơm tiếp.

Nhưng lúc này các thuyền viên sau nhiều ngày ăn không đủ no đã rất mệt mỏi nên anh em đều có ý cưỡng lại. Không hiểu sao toán cướp không tiếp tục cưỡng ép mọi người thực hiện ý muốn của chúng nữa. Cả toán cướp tụ lại bàn tán một lúc rồi bỏ đi. 

Đến 3 giờ sáng 9/10, khi thấy trên tàu đã yên tĩnh, anh em mới tháo dây trói mở cửa ra ngoài xem xét. Cả toán cướp đã lên tàu rời đi bỏ lại con tàu Sunrise 689 lênh đênh trên biển.

Anh em kiểm tra lại thì toàn bộ thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc trên tàu đã bị nhóm cướp đập phá tan tành. Thuyền trưởng ra lệnh cho anh em vào vị trí, còn anh ở buồng lái chỉ huy chạy tàu dựa vào kinh nghiệm của bản thân.

Chạy được khoảng vài giờ thì gặp được tàu cá Việt Nam, các anh mới biết tàu đã về tới vùng biển nước ta. Mọi người mượn được chiếc điện thoại di động của ngư dân vội gọi về Công ty, sau đó, chia nhau gọi điện về nhà vội thông báo đã an toàn trở về.

Mừng rơi nước mắt

Cả đêm thao thức lo cho cậu con trai lớn Phạm Đức Thành bặt tin tức cùng con tàu, mãi gần sáng ông Phạm Văn Điệp mới thiếp đi. Đến 5 giờ 30 phút sáng, đang lơ mơ ngủ thì chiếc điện thoại di động đổ chuông khiến ông choàng tỉnh.

Thấy số điện thoại lạ, ông vừa cất tiếng trả lời thì đầu dây đằng kia giọng Thành hào hển: “Bố ơi, tàu con bị cướp biển bắt giữ mãi nửa đêm vừa rồi mới được thả, giờ tàu đã về đến vùng biển Việt Nam”.

Thành chỉ kịp ngắn gọn thông báo tình hình rồi cúp máy chuyển cho anh em khác gọi về nhà vì cả tàu mượn được một cái điện thoại. Ông Điệp mừng quá hét oang oang gọi vợ dậy. Bà Gái nghe tiếng chồng báo con gọi về cũng bật dậy hét lên rồi vội chạy xuống thông báo cho con dâu.

Kể chuyện sáu ngày trong tay cướp biển ảnh 1

Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng. Ảnh: do gia đình cung cấp

Chị Trần Thị Bích cho hay lúc sáng sớm chị đang ôm con ngủ thì mẹ chồng đập cửa rầm rầm thông báo chồng chị vừa gọi điện thông báo tàu đã về gần đến Việt Nam. Mẹ chồng con dâu ôm nhau mừng rơi nước mắt, những giọt nước mắt mừng vui tột độ. Cả ngày, liên tục có người thân, bạn bè đến chúc mừng.

“Chiều nay chồng em lại gọi điện về nói chuyện dài hơn. Chồng em kể bị cướp biển lên tàu khống chế. Bọn cướp tống hết mọi người vào một phòng khống chế. Chúng lấy sạch quần áo, chăn màn, đồ dùng cá nhân, chỉ để cho mỗi người một bộ quần áo đang mặc. Tất cả bị giam lỏng trong phòng nên cũng không biết bọn cướp đưa tàu đi đâu. Đến quá nửa đêm 8/10, chúng mới thả cho tàu đi. Mọi người ra boong cũng chỉ biết đang ở giữa biển”-Bích kể. 

Cũng giống như bao gia đình thuyền viên khác, lúc gần 6 giờ sáng 9/10, bà Nguyễn Thị Loan đang thao thức thì con trai là anh Nguyễn Duy Đông gọi điện chỉ kịp thông báo vắn tắt tàu bị cướp hàng, mới được bọn cướp thả, giờ đã về đến vùng biển Việt Nam. Bà Loan reo lên, ôm chầm cô con dâu. Nước mắt mừng vui lại rơi trên khóe mắt hai người phụ nữ. 

Sáng 9/10, vợ thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng và người thân một số thuyền viên lại có mặt tại trụ sở Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng. Những gương mặt héo úa vì lo lắng ngày hôm trước đã thay bằng những nụ cười rạng rỡ niềm vui.

Vị thuyền trưởng “cao số” 

Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng trước đây từng bị cướp biển Somalia bắt cóc hồi năm 2011, khi anh đang đi trên tàu Hoàng Sơn Sun với chức danh Đại phó.

Thắng cùng các thuyền viên bị cướp biển Somalia giữ 8 tháng trời đến khi nhận được tiền chuộc mới thả cho về. Từ năm 2012, Thắng chuyển sang tàu Sunrise 689 làm thuyền trưởng.

“Từng trong tay cướp biển nên tôi cố động viên anh em giữ bình tĩnh để đảm bảo an toàn. Rất may ngoài 2 người bị thương, tất cả đã trở về khỏe mạnh”-Thắng nói.

MỚI - NÓNG