Bản thảo được mua khi “Cánh đồng” chưa nổi
Có một chi tiết cần nói cho rõ: Truyện Cánh đồng bất tận in lần đầu trên báo Văn Nghệ năm 2005 chia làm ba kỳ.
Nhà văn Ngô Thảo kể: “Tôi đọc lần đầu đã rất ấn tượng, thấy truyện có khả năng làm được phim, thế là giữ lại cả ba tờ báo, nghĩ cách cho Hạnh (Ngô Thị Bích Hạnh) với Bình (Nguyễn Phan Quang Bình - con gái và con rể ông) đọc. Nhân hai đứa bay qua Hồ Nam, Trung Quốc, tôi bảo mang theo báo mà đọc trên máy bay, truyện này làm phim nhất định được”.
Cánh đồng bất tận thời điểm 2005 hoàn toàn chưa được đánh giá đúng mức. Nhà văn Dạ Ngân (người trực tiếp nhận bản thảo và đề cử đăng dài kỳ trên báo Văn Nghệ) kể: “Năm 2006 báo Văn nghệ có cuộc thi truyện ngắn, vì Cánh đồng bất tận là truyện vừa nên không dự thi được. Nó bị chìm đi trên Văn Nghệ, chìm đi trên truyền thông thủ đô. Sau đó Y Ban có “I am đàn bà” khiến dư luận sôi lên, Cánh đồng bất tận càng bị chìm”.
Trong hoàn cảnh đó, nhà văn Ngô Thảo đã thuyết phục lãnh đạo công ty BHD đồng ý làm phim Cánh đồng bất tận.
Được sự đồng thuận của BHD, đích thân Ngô Thảo cùng Nguyễn Phan Quang Bình cầm 20 triệu đồng xuống Cà Mau ký hợp đồng mua bản thảo trực tiếp với Nguyễn Ngọc Tư.
Ông cho biết: “Trước khi mua bản thảo Cánh đồng bất tận Tư có lẽ chỉ biết tôi là người biên soạn Năm tháng chưa xa trên cơ sở sổ tay ghi chép của nhà văn Nguyễn Thi về nông thôn Nam Bộ những năm chống Mỹ mà cô đọc khi còn là học sinh. Tôi rủ Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Hồ đi cùng. Những người này đều là nhà văn Nam Bộ “gộc”, rất có uy tín. Quá trình thuyết phục Tư khá thuận lợi. Hợp đồng sử dụng bản thảo Cánh đồng bất tận để chuyển thành phim là 10 năm. Sau đó chúng tôi còn xuống chỗ Tư mấy lần nữa, để chọn cảnh cho phim.
Long đong làm phim
BHD có bản quyền sử dụng Cánh đồng bất tận từ năm 2006, nhưng mãi đến 2010 phim mới ra mắt khán giả, một phần quá trình làm phim kéo dài, phần nữa liên quan đến việc tác giả Nguyễn Ngọc Tư bị địa phương đề nghị kỷ luật, khiến dư luận văn chương xôn xao một thời.
Gần như ngay sau khi bán bản thảo cho BHD, Nguyễn Ngọc Tư nhận được công văn của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đề cập truyện Cánh đồng bất tận “đã bị số đông không đồng tình, phản ứng gay gắt… không có tính tư tưởng giáo dục, bôi đen xã hội nông thôn… đề nghị Hội Văn học - Nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc...”. “Tai nạn” ấy đã khiến dư luận xã hội chú ý đặc biệt đến Cánh đồng bất tận. Một tờ báo in dài kỳ Cánh đồng bất tận trên báo ngày, số lượng sách xuất bản cũng tăng vọt, trở thành một hiện tượng xuất bản của văn học Việt Nam với 25.000 bản trong lần tái bản thứ hai.
Đến đầu năm 2010, bộ phim Cánh đồng bất tận chính thức bấm máy. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trước đó đã tạo được dấu ấn sau bộ phim “Vũ khúc con cò”. Bộ phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Mỹ Uyên… Cũng từ đây, Ninh Dương Lan Ngọc chạm ngõ điện ảnh và trở thành một phát hiện mới của điện ảnh Việt.
Nhà văn Ngô Thảo hay nói: “Lúc BHD làm Cánh đồng bất tận được nhiều người giúp lắm. Nhiều người tưởng sau lưng BHD là thế lực gì kinh lắm, chúng nó chỉ bảo “con ông Ngô Thảo”. Người ta chả biết ông Ngô Thảo làm gì, chỉ biết là: “Ừ, cha mày nhậu được, tốt đấy, mày cần gì chú (anh) giúp”.
Những chuyến điền dã đầu tiên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình để tìm bối cảnh cho Cánh đồng bất tận cũng là đi cùng với bố vợ. Nhờ sự giúp đỡ của những bạn văn của ông Thảo, những tác giả của những bộ phim truyện và truyền hình nổi tiếng về mảnh đất này, đoàn phim tìm được nơi từng quay Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang. Một may mắn nữa là đoàn tìm được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát triển dược liệu của Dược sĩ Nguyễn Văn Bé (sau này ông Bé được tuyên dương anh hùng) xin ở nhờ. Ông Bé xây Trung tâm này ở giữa bưng biền, vừa trồng tràm, vừa nuôi chim.
Nhà văn Ngô Thảo nhớ lại: “Khó nhất là quay mấy cảnh nóng. Lên phim chỉ có mấy phút mà phải quay nguyên ba đêm. Đoàn phim cũng đã phải mời Trần Huy Hoan - người chuyên chụp ảnh nude đến thị sát, tìm ra những tư thế đẹp nhất để quay, nắn nót từng tí một”.
Bản thân Ngô Thảo cũng có những ngày ăn ngủ cùng đoàn phim. “Phim trường được dựng giữa Đồng Tháp Mười, phải huy động một cái tàu rất to để mang máy điện phát sáng. Một bộ phận chuyên phụ trách ánh sáng ở chỗ quay phim, một bộ phận khác tạo ánh sáng ở một nơi gần đó để thu hút sâu bọ ruồi muỗi. Muỗi ở đó nhiều kinh khủng. Đội hậu cần dùng cả thùng đốt bao nhiêu lá tràm tươi đuổi muỗi mà không ăn thua. Cứ phải làm mấy cái màn giữa đồng, diễn viên khi không quay thì ngồi trong màn, đến cảnh lại chạy ra”, ông kể.
Nhà văn Ngô Thảo mỗi lần đi qua miền Tây vẫn áy náy nhớ những ngày đoàn làm phim Cánh đồng bất tận. Những ngày về muộn, quay đêm, đèn pha bật sáng ồn ào đánh động hàng ngàn con chim các loại nháo nhác bay lên, làm ông chủ có lúc lo đến phát cáu!
Cánh đồng thắng lớn, hậu đãi Nguyễn Ngọc Tư
Sau 45 ngày bấm máy, Cánh đồng bất tận hứa hẹn đem đến một “trải nghiệm xứng đáng” cho khán giả. Nhiều người trong đoàn phim còn nhớ, chỉ sau 12 ngày công chiếu, Cánh đồng bất tận đã thu về 9,2 tỷ đồng tại các rạp trên toàn quốc. Gần như ngay sau đó, nó giành cú đúp với 5 giải thưởng Cánh diều vàng 2010 bao gồm: Cánh diều vàng cho nhạc sĩ phim truyện nhựa, Cánh diều vàng cho diễn viên nam phụ phim truyện nhựa, Cánh diều bạc phim truyện nhựa và giải Báo chí bình chọn cánh diều vàng 2010. Cánh đồng bất tận cũng được nhiều công ty điện ảnh của nước ngoài mua bản quyền.
Hầu hết những sự kiện ra mắt, công chiếu sau đó, đoàn phim đều mời Nguyễn Ngọc Tư tham gia. Sau khi doanh thu của phim công bố, Tết năm đó, công ty BHD còn trích tặng tác giả truyện ngắn một số tiền nghe đâu gấp mấy lần tiền mua bản quyền.