Kể chuyện làm dâu trăm họ

Kể chuyện làm dâu trăm họ
TP - Tiếp bạn đọc, nghe trình bày hoàn cảnh kéo dài hàng giờ, nghe điện thoại than phiền cảnh đời ngang trái đến nóng cả máy... Có những lần phóng viên Ban Bạn đọc sững sờ trước tấm lòng bạn đọc.

> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
> Tất cả là phóng viên chiến trường

Ai oan, oan ai?

Vừa tới toà soạn, chưa kịp mở tờ báo mới đã có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông khó đoán tuổi mặc chiếc áo bông cũ sờn vai, quần ống thấp, ống cao cố len qua cửa bước vào phòng Bạn đọc nhưng không lọt. Trên lưng ông đeo một tấm biển to kềnh ghi dòng chữ : “Tôi bị oan! Cứu giúp kẻ khổ sở lày.”

Tôi định gỡ tấm biển, nhưng ông khăng khăng không chịu. Ông nói phải đeo tấm biển ấy khi nào được giải oan mới gỡ xuống. Cố len qua cửa mãi không lọt, ông đành hậm hực gỡ tấm biển khỏi lưng, xếp trước cửa.

Chắc là lại phải tiếp một trường hợp khiếu kiện về đất đai. Hằng năm có đến vài trăm đơn thư gửi về Tòa soạn, trong đó hơn 80% liên quan đất đai. Số người trực tiếp mang đơn đến báo khiếu kiện hầu như đều liên quan vấn đề này. Thông qua mục Nhắn tin, gửi Phiếu chuyển đơn thư tới cơ quan chức năng, đăng công khai những đơn vị liên quan chưa có hồi âm để trả lời bạn đọc, mối liên hệ giữa báo với các địa phương, đơn vị ngày càng sâu sát hơn. Bạn đọc thấy không bị lãng quên khi gửi thông tin tới báo. Chính vì thế, số đơn thư, công văn đi về ngày một nhiều, công việc xử lý cũng bộn bề hơn...

Gia đình Tôn Hà Anh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Gia đình Tôn Hà Anh (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Quả không sai. Vào phòng, vị khách xếp lên bàn cả một đống giấy tờ, có cái đã nhàu nát, dấu đỏ đủ loại, rồi kể về chuyện của mình. Ông bảo chuyện đền bù đất đai giải toả của ông không công bằng, tiền đền bù quá thấp. Tiếp nhận đơn và một số giấy tờ liên quan, tôi nói với ông sẽ sớm liên hệ các cơ quan chức năng để trả lời, rồi thuyết phục ông không nên đeo cái biển to kềnh trên lưng, đi trên phố xảy ra tai nạn giao thông thì khổ. Một hồi lâu nghe ra, ông để lại tấm biển cho tôi giữ, tập tễnh bước đi...

Ngay hôm ấy, theo đơn thư của ông, chúng tôi liên hệ các cơ quan chức năng mong sớm có kết quả trả lời bạn đọc. Điện thoại, thư từ qua lại, tôi đã nhận được thông tin khá đầy đủ. Thì ra, số tiền đền bù đất đai, chính quyền cơ sở đã làm đúng, làm đủ. Chỉ có điều, anh con trai cả của ông đã đến ký nhận tiền. Thấy có món tiền to, sẵn có tính đỏ đen, anh ta nướng gần hết số tiền ấy chỉ trong một tuần. Anh ta nói dối bố rằng, số tiền đền bù ít. Tin con, ông đi kiện chính quyền. Mặc dù được giải thích nhưng ông không chịu và nói chỉ tin ở đài, ở báo, nhất là báo Tiền Phong...

Hai tuần sau, ông trở lại. Nghe tôi phân giải, ông dần hiểu ra. Ông rớm nước mắt nói: “Tuần trước, mấy ông cán bộ xã có đến tận nhà nói là đã nhận được thư, điện thoại báo gọi trao đổi. Họ cho tôi xem nhiều giấy tờ liên quan. Thì ra sự tình là do thằng cả nhà tôi gây ra cả. Chỉ tiếc là cán bộ không có thời gian gặp dân đen như tôi để nói cho rõ ngọn ngành sớm hơn thì đâu đến nỗi”.

Thấy tấm biển to kềnh còn nằm trong phòng tôi, ông nhờ tôi sớm bỏ nó đi và đề nghị không nêu tên ông trên báo vì: “Con dại cái mang. Nói làm gì nữa cho thêm đau lòng”.

Chuyện ông áo rách, lòng lành

Chuyên mục Những cảnh đời - Những tấm lòng luôn được bạn đọc quan tâm. Hầu hết trường hợp đăng trên báo đều có hồi âm. Nhiều cuộc điện thoại gọi tới tìm hiểu thêm để có hướng giúp đỡ cụ thể. Nhiều người đến báo trực tiếp gửi tiền, rặng quà cho các đối tượng. Phóng viên Thuý Hiền luôn ghi chép, chuyển đầy đủ và nhanh nhất tới các địa chỉ từ thiện. Bác Thuận Hoa, một cựu chiến binh ở Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Hải ở số nhà 30K, Tập thể 110 Lò Đúc (Hà Nội), bà Ngô Thị Dung, ở Nhà E7 Bách Khoa (Hà Nội)… đã trở thành những người thân của Ban Bạn đọc. Hầu như tháng nào các bà, các bác, các chị, các anh cũng đến báo giúp các trường hợp khó khăn khi vài trăm lúc cả triệu đồng.

Nhưng có một trường hợp làm tôi nhớ mãi.

Không gõ cửa, một người đàn ông nhỏ thó, da cháy đen, quần ống thấp, ống cao chạy xộc vào. Ông đứng ở giữa phòng trân trân nhìn tôi. Hẳn là một người đến trình bày khó khăn đề nghị báo giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên (trú tại Hà Nội) khiếu nại việc hưởng chế độ nhiễm chất độc hoá học sau nhiều năm chưa được giải quyết. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Văn Tuyên (trú tại Hà Nội) khiếu nại việc hưởng chế độ nhiễm chất độc hoá học sau nhiều năm chưa được giải quyết. Ảnh: K.N.

Sau vài năm ở Ban Bạn đọc, tôi đã có những kinh nghiệm nhìn người đoán việc. Tôi hỏi ông đến báo có cần giúp đỡ gì không. Không trả lời, người đàn ông rút trong túi ra một tờ Tiền Phong bị gấp làm tư, mở trang báo ra nói: “Sáng nào tôi cũng mua một tờ Tiền Phong để đọc dần cả ngày. Sáng nay, tôi đọc bài báo viết về trường hợp chị Nguyễn Thị Tươi ở Nho Quan, Ninh Bình hoàn cảnh khó khăn quá. Số tiền tôi làm hai hôm nay được 2 trăm ngàn đồng, qua báo nhờ chuyển giúp chị ấy”.

Ông lần giở trong túi ra những đồng tiền lẻ đã được xếp gọn gàng đưa cho tôi rồi vội vã bước đi. Tôi sững sờ nhìn ông, vội kéo tay ông lại xin ghi địa chỉ. Ông bảo: “Tôi làm gì có địa chỉ. Tôi ở quê lên tá túc khắp nơi. Tôi tên là Đỗ Quang Phúc, chạy xe ôm, dạo này thường đứng trước Nhà khách K9. Thôi tôi đi đây. Có cuốc xe hẹn khách đưa vào Thanh Xuân”.

Khoe con, không ngại...

Phóng viên Kiến Nghĩa đang ngồi tiếp một thiếu phụ xinh đẹp. Có thể đây là một doanh nhân thành đạt đến báo làm công tác từ thiện. Cũng có thể lại thêm một trường hợp đến giới thiệu cô cháu gái xinh đẹp muốn dự thi Hoa hậu Việt Nam. Thoáng nghe câu chuyện của thiếu phụ xinh đẹp kể, tôi hiểu chị đến báo để tâm sự cũng như chia sẻ niềm vui về cô con gái yêu của mình. Tuy nhiên, chị cũng có đôi chút ngại ngần vì không biết như vậy có phải là khoe con hay không, trong khi xã hội có không ít học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, khi nghe chị giới thiệu sơ qua về cô con gái Tôn Hà Anh, phóng viên Kiến Nghĩa thấy đây là một atrường hợp khá đặc biệt, nên khích lệ: “Chị đừng ngại khoe con. Những trường hợp như con gái chị rất cần thông tin để các bậc làm cha làm mẹ có thể sẻ chia kinh nghệm nuôi dạy con”.

Chị là bác sĩ Lã Thanh Hà, có cô con gái Tôn Hà Anh, nữ sinh Việt Nam, đang du học tại Trường THPT St. Andrew’s (Mỹ). Năm 2007, khi thi tuyển vào THPT, Tôn Hà Anh cùng lúc đỗ Á khoa hai trường THPT Hà Nội-Amsterdam (lớp chuyên Anh 1) và Trường THPT Chuyên ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội). Hà Anh đã chọn Trường THPT Hà Nội-Amsterdam để học, sau đó tham gia thi và đạt giải nhì tiếng Anh thành phố năm 2007. Trong quá trình học, Hà Anh tiếp tục thi và đạt điểm cao nhất trong số thí sinh thi tại Việt Nam để du học tại Mỹ. Cô được nhận học bổng toàn phần để du học tại Trường St. Andrew’s (bang Delaware), một trong những trường THPT hàng đầu của Mỹ, trở thành người Việt Nam đầu tiên du học tại trường này.

Sau đó, Tôn Hà Anh được 5 trường đại học hàng đầu của Mỹ mời nhập học, trong đó có trường Harvard nổi tiếng. Cô đã chọn Harvard để học, trở thành sinh viên xuất sắc của trường.

Từ câu chuyện ban đầu khi tiếp xúc với bác sĩ Lã Thanh Hà tại Toà soạn, phóng viên Kiến Nghĩa tiếp tục khai thác thông tin trong các thời điểm tiếp theo để có loạt bài về nữ sinh Tôn Hà Anh. Nhiều bậc làm cha làm mẹ đã học hỏi thêm kinh nghiệm giáo dục, định hướng cho con qua những bài báo này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.