Tổng số hai lần JP thực hiện mua Fuel hedging khoảng gần 400 nghìn thùng với giá mua lần đầu 126 USD/thùng, lần sau là 137 USD/thùng.
JP sẽ phải vượt qua nhiều sóng gió để có được niềm vui. Ảnh: Bảo Khánh |
Quả đắng Fuel hedging
Vậy Fuel hedging có gì ghê gớm khiến JP có giai đoạn mỗi tháng lỗ khoảng 40 tỷ đồng?
Fuel hedging còn được hiểu như một dạng bảo hiểm rủi ro nhiên liệu, và liên quan đến những nhận định giá cả thị trường của một loại hàng hóa biến đổi theo thời gian. Mua nhiên liệu dự trữ ở mức nhất định để tránh phải mua với giá tăng cao hơn.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cho biết, Cục này đã gửi bản dự thảo kết luận thanh tra liên quan tới máy bay của JP thiếu an toàn (mà hai kỹ sư bảo dưỡng máy bay người Úc tố cáo) tới lãnh đạo hãng này. Kết luận cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới đây sau khi JP phản hồi về dự thảo kết luận trên. |
Tuy nhiên, quả đắng với JP là mua dự trữ ở mức 137 USD/thùng nhưng sau đó giá liên tục giảm xuống 100 USD/thùng, thậm chí chỉ còn vài chục USD/thùng. Với ngành công nghiệp dầu mỏ, sự biến động của nó là một thị trường tốt cho bảo hiểm rủi ro. Không riêng gì JP, nhiều hãng hàng không khác trên thế giới đã bị ăn quả đắng Fuel hedging.
Nhiều chuyên gia ngành hàng không vẫn chưa quên Hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines (Mỹ) vì được đề cập đến như một mô hình bảo hiểm rủi ro nhiên liệu ở mức giá thấp trong suốt 17 năm lịch sử. Tuy nhiên, hãng này đã phải chấp nhận thực tế về khoản lỗ 247 triệu USD chỉ trong vòng 3 tháng.
Người ta cũng từng biết tới U.S Airways từng phải ngậm ngùi với khoản lỗ 865 triệu USD (trong đó 488 triệu USD do Fuel hedging). Thị trường hàng không Mỹ lớn nhất hành tinh và giàu kinh nghiệm là thế nhưng United Airlines công bố lỗ 5,35 tỷ USD năm 2008, trong đó khoảng 2,9 tỷ USD do Fuel hedging; American Airlines cũng lỗ chủ yếu từ nhiên liệu khoảng 2 tỷ USD.
Nếu không Fuel hedging, các hãng hàng không sẽ phải làm gì khi giá nhiên liệu liên tục cao? Như Tiền Phong từng đưa tin năm 2008, nhiều hãng hàng không nội địa và quốc tế đều đồng loạt thu phụ phí xăng dầu bên cạnh giá vé. Chỉ đến khi giá dầu thô trên thế giới giảm, các hãng này mới bỏ phụ thu xăng dầu.
Trong tháng 11-2008, hãng hàng không giá rẻ Airasia là hãng đầu tiên trên thế giới bỏ phụ thu xăng dầu (nội địa và quốc tế) khi giá nhiên liệu giảm dần. Đó là một cách khác ngoài Fuel hedging, tuy nhiên, “có một số hãng do bắt hành khách phải trả thêm phí cao khi giá nhiên liệu cao và đã bị toà án phạt. Điển hình như, British Airway bị toà án Mỹ phạt khoảng 500 triệu USD, Koreanair cùng bị toà án Mỹ phạt 250 triệu USD”, lãnh đạo một hãng hàng không nội địa Việt Nam cho biết.
Với những số liệu ở trên, năm 2008, Fuel hedging thực sự là “cơn ác mộng” trong kinh doanh của nhiều hãng hàng. Tuy nhiên, đó đã là một phương thức kinh doanh nên chắc chắn nó vẫn sẽ tiếp tục được các hãng hàng không thực hiện nhưng cẩn trọng hơn.
Lỗ gần 500 tỷ - Ai chịu?
Dường như chỉ có ý kiến cho rằng, nghiệp vụ Fuel hedging vừa qua của JP là đáng phê phán vì đó là nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ 31 triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ít ai biết có một hãng hàng không nội địa của Việt Nam cũng từng trình lên cơ quan chức năng để xin Fuel hedging nhưng do chưa có chính sách nên không được chấp thuận.
Trong cuộc họp công bố kết quả kiểm toán vừa qua, một lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, từ tháng 7-2009, Bộ Tài chính mới có chính sách Fuel hedging cho các doanh nghiệp nhà nước. JP là doanh nghiệp cổ phần (nhà nước chi phối với 70% cổ phần) nên linh hoạt hơn với kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giám sát của SCIC khi để cho 2 Phó TGĐ người Úc (của Qantas gửi sang) thực hiện Fuel hedging. Và, giao dịch Fuel hedging các lần chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của Qantas.
Tuy nhiên, dù rủi ro nhưng Qantas vẫn không hề hấn gì vì đây là một “gã khổng lồ”, còn JP chỉ là “gã tí hon” đang lần hồi kiếm ăn. Dư luận cũng nghi ngờ liệu “gã khổng lồ” có dùng Fuel hedging để thôn tính “gã tí hon”, câu trả lời xin nhường cơ quan chức năng.
Đình Thắng
Tổng hợp và phân tích