Theo hãng tin Lenta của Nga, công ty Rafael đề cập tới thương vụ trên với quan chức Hàn Quốc bên lề triển lãm công nghiệp quốc phòng và hàng không-vũ trụ Seoul ADEX 2013.
Để trấn an giới chức Hàn Quốc về những quan ngại chi phí của việc tăng cường hệ thống phòng thủ (mỗi tên lửa đánh chặn Tamir của hệ thống phòng không Iron Dome có giá vài chục ngàn USD, đắt hơn nhiều một quả rocket vốn có thể sản xuất thủ công), đối tác Israel cho rằng, hệ thống phòng không Iron Dome hiệu quả và thông minh hơn so với hệ thống hiện tại của Hàn Quốc.
Đối tác Israel phân tích những quả rocket rẻ tiền và đạn pháo có xác suất bắn trúng mục tiêu rất thấp, trong khi đó hệ thống phòng không Iron Dome đủ thông minh để có thể bỏ qua những mục tiêu không gây nhiều nguy hại.
Israel cũng nhấn mạnh, tuy một quả rocket bị đánh chặn rẻ hơn nhiều một quả tên lửa đánh chặn, nhưng việc đánh chặn sẽ ngăn chặn được tổn thất cho hạ tầng quốc gia và tất nhiên là tránh được cả tổn thất nhân mạng.
Trước đó, Ấn Độ đã từ chối Israel mua hệ thống này mà không giải thích bất cứ lý do nào.
Một khẩu đội Iron Dome có thể bảo vệ một khu vực rộng gần 150 km2 và về lý thuyết, có thể bắn hạ không chỉ rocket mà cả máy bay ở độ cao đến 10 km. Iron Dome có tầm bắn 70 km, từ khi được nhận vào trang bị, nó đã bắn rơi gần 500 quả rocket phóng vào Israel. |
Trần Vũ
Theo Lenta