Israel-Hamas: Gập ghềnh đàm phán thả con tin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một thỏa thuận nhằm đảm bảo việc thả một số lượng lớn con tin mà Hamas đang giam giữ ở Dải Gaza dường như khó đạt được vào lúc này, bất chấp các cuộc đàm phán tích cực có sự tham gia của Mỹ, Israel, Qatar và Hamas.
Israel-Hamas: Gập ghềnh đàm phán thả con tin ảnh 1
Hình ảnh một số người bị Hamas bắt làm con tin (ảnh chụp ngày 18/10 tại Tel Aviv, Israel). Ảnh: Getty

Ngày 9/11, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng, không có khả năng Israel đồng ý tạm dừng chiến đấu kéo dài mà không có một số lượng đáng kể con tin được trả tự do. Các cuộc đàm phán nhiều bên (trong đó Qatar đóng vai trò trung gian chính) đã diễn ra trong nhiều tuần, đưa ra nhiều ý tưởng, bao gồm việc thả khoảng 10-15 con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài một hoặc hai ngày, nguồn tin ngoại giao thân cận với cuộc đàm phán cho biết.

Nhưng một đề xuất như vậy vẫn chưa được đưa ra bàn thảo, vị quan chức Mỹ cho biết. Một quan chức Israel nói rằng, Israel “sẵn sàng tạm dừng” nếu có thể chắc chắn rằng Hamas “nghiêm túc trong việc thả con tin”. Điều chưa rõ là Israel sẵn sàng đồng ý tạm dừng trong bao lâu và số lượng con tin được thả có thể chấp nhận được (sau cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10, Hamas bắt giữ hơn 200 con tin).

Các cuộc đàm phán cũng tập trung vào việc trao đổi con tin cho những tù nhân Palestine bị Israel giam giữ, CNN đưa tin. Chỉ một số ít con tin (trong đó có hai công dân Mỹ) được thả kể từ khi chiến sự bắt đầu. Sau khi con tin được thả, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng, Israel đã đồng ý ngừng bắn ngắn hạn để đảm bảo việc trả tự do cho họ. Chính quyền Biden tiếp tục kêu gọi Israel áp dụng thêm “các lệnh tạm dừng nhân đạo” để tạo điều kiện thả thêm con tin. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel sẽ không đồng ý ngừng bắn nếu Hamas không thả con tin. Đây là thông điệp ông nhắc lại trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 8/11.

Những nỗ lực kéo dài nhiều tuần để cố gắng giải cứu một nhóm lớn con tin đã làm sáng tỏ vô số vấn đề phức tạp. Các con tin (thuộc nhiều quốc tịch khác nhau) được cho là không ở cùng một địa điểm và không rõ chính xác có bao nhiêu người trong số họ ở Dải Gaza. Việc liên lạc với Hamas diễn ra chậm chạp. Và có những lo ngại về cách di chuyển an toàn bất kỳ nhóm lớn dân thường nào qua Gaza khi dải đất này bị bắn phá liên tục. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Hamas không phải là một đối tác đàm phán đáng tin cậy.

Liên quan công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Israel, trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 16/10, Bộ Ngoại giao đã ra khuyến cáo công dân Việt Nam ở Israel sớm chủ động rời nước này để bảo đảm an toàn. Đến nay, đã có 13 công dân Việt Nam trở về nước an toàn trên các chuyến bay thương mại và chuyến bay của các đối tác có công dân ở Israel trên tinh thần nhân đạo, bà Phạm Thu Hằng cho biết.

Việt Nam kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza

Ngày 9/11 tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang tại dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, nhân viên nhân đạo, nhà báo và các hạ tầng thiết yếu.

“Trên tinh thần Nghị quyết số ES-10/21 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại phiên họp khẩn cấp ngày 27/10/2023, chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường và hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân đạo và thả ngay lập tức các con tin đang bị giam giữ”, bà Hằng nói.

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

MỚI - NÓNG