Cuộc khủng hoảng leo thang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh lớn ở Trung Đông. Iran lại vừa tuyên bố sẽ tiếp tục bỏ tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà họ ký với 6 cường quốc.
Vị tướng quyền lực nhất của Iran, ông Qassem Soleimani, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào đoàn xe của ông ở sân bay Baghdad, đẩy quan hệ thù địch Mỹ - Iran lên mức vô cùng căng thẳng.
Một bộ trưởng của chính phủ Iran lên án ông Trump là “kẻ khủng bố mặc áo vest” sau khi tổng thống Mỹ đăng hàng loạt thông điệp trên Twitter hôm 4/1 để dọa sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu Tehran tấn công người Mỹ hay các tài sản của Mỹ để báo thù cho cái chết của ông Soleimani.
Phát biểu với các phóng viên trên chiếc Không lực 1 khi trên đường từ Washington đến Florida tối qua, ông Trump tiếp tục bảo vệ quan điểm sẽ tấn công các di sản văn hóa của Iran.
“Họ được phép giết người của chúng ta. Họ được phép tra tấn và gây thương tích cho người của chúng ta. Họ được phép đặt bom ven đường để thổi tung người của chúng ta. Và chúng ta không được phép động đến di tích văn hóa của họ hay sao? Mọi chuyện không thể như vậy”, ông nói.
Những người chỉ trích từ đảng Dân chủ cho rằng vị tổng thống của đảng Cộng hòa đã rất liều lĩnh khi chỉ đạo vụ tấn công. Một số người cho rằng phát biểu của ông Trump về việc tấn công các di sản văn hóa của Iran có thể bị coi là lời đe dọa phạm tội ác chiến tranh. Nhiều người chất vấn rằng tại sao tướng Soleimani, từ lâu đã bị giới chức Mỹ coi là kẻ thù, lại bị giết vào thời điểm này.
Phe Cộng hòa trong quốc hội Mỹ nhìn chung ủng hộ quyết định của ông Trump.
Tổng thống Mỹ cũng dọa sẽ trừng phạt Iraq và nói nếu quân Mỹ bị ép phải rời khỏi nước này, chính phủ Iraq sẽ phải trả cho Washington chi phí duy trì một căn cứ không quân “cực kỳ đắt đỏ” ở đó.
Ông Trump cũng nói rằng nếu Iraq đề nghị lực lượng Mỹ rời đi theo một cách thiếu thiện chí, “chúng ta sẽ trừng phạt họ theo cách chưa từng thấy”.
Trước đó, quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt mọi hiện diện của quân đội nước ngoài, phản ánh nỗi sợ hãi ở nước này rằng cuộc không kích ngày 3/1 của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chiến nữa giữa hai cường quốc từ lâu đã mâu thuẫn về Iraq và cả khu vực.
Những nghị quyết như vậy không mang tính ràng buộc đối với chính phủ, nhưng Thủ tướng Adel Abdul Mahdi trước đó cũng kêu gọi quốc hội quyết định chấm dứt hiện diện quân sự của nước ngoài càng sớm càng tốt.
Iran và Mỹ từ lâu đã cạnh tranh ảnh hưởng ở Iraq kể từ cuộc tấn công xâm lược của Mỹ năm 2003 để lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein.
Trước khi ông Trump có những phát biểu trên với báo giới, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ đang chờ thẩm tra tính pháp lý và tác động của nghị quyết này, đồng thời thúc giục mạnh mẽ các lãnh đạo Iraq cân nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nước.
Khoảng 5.000 quân nhân Mỹ đang đóng tại Iraq, chủ yếu trên vai trò cố vấn.
Thủ tướng Abdul Mahdi nói rằng nước này dù có phải đối mặt với “những khó khăn từ bên trong và bên ngoài”, chuyện thôi nhờ liên quân do Mỹ đứng đầu giúp đỡ “vẫn là điều tốt nhất cho Iraq về nguyên tắc và thực tế”.
Ông nói rằng ông dự kiến gặp ông Soleimani đúng ngày tướng này bị hạ sát, và rằng ông Soleimani đáng lẽ sẽ cho biết phản ứng của Iran trước thông điệp của Ả-rập Xê-út mà ông Thủ tướng Iraq trước đó gửi cho Tehran. Quốc gia Ả-rập Xê-út theo dòng Hồi giáo Sunni và nước Iran theo dòng Shi’ite định sẽ “đạt được một bước đột phá về tình hình Iraq và khắp khu vực”, ông Abdul Mahdi nói.
Dù sự thù địch Mỹ - Iran có từ nhiều năm trước, lực lượng bán quân sự được Iran hậu thuẫn và quân đội Mỹ vẫn sát cánh bên nhau trong cuộc chiến từ năm 2014-2017 ở Iraq nhằm đánh bại kẻ thù chung IS. Lãnh đạo lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis cũng thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hôm 3/1.