Iran sắp hóa giải mối thù 40 năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 1939, Công chúa Fawzia của Ai Cập kết hôn với Thái tử Iran Mohammad Reza Pahlavi, đưa hoàng gia của hai quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Đông vào mối quan hệ liên minh chiến lược.
Iran sắp hóa giải mối thù 40 năm ảnh 1

Lễ cưới của Công chúa Ai Cập Fawzia với Thái tử Iran Mohammad Reza Pahlavi năm 1939. (Ảnh tư liệu)

Hàng ngàn người có mặt tại lễ cưới trong cung điện Abdine ở Cairo, nơi có màn bắn pháo hoa và lễ diễu hành thể hiện thành tựu văn minh của hai quốc gia.

Công chúa Fawzia là con gái lớn của Vua Farouk I, vị vua cuối cùng của Ai Cập. Cô mới 17 tuổi khi kết hôn. Hai năm sau, Thái tử Pahlavi lên ngôi và trở thành Vua Iran. Năm 1945, Fawzia xin ly hôn, và được chấp nhận cho ly hôn sau 3 năm.

Bốn mươi năm sau đám cưới đó, Vua Pahlavi bị lật đổ trong một cuộc cách mạng Hồi giáo làm thay đổi lộ trình quan hệ giữa Iran với các quốc gia Ả-rập, khiến quan hệ giữa Iran với Ai Cập lao dốc và chưa bao giờ khôi phục.

Bất hòa này trở thành mối thù lâu đời nhất giữa Iran và một quốc gia Ả-rập trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, sự thù địch đó có thể sắp được hóa giải.

Tuần trước, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei công khai ủng hộ bình thường hóa quan hệ Ai Cập – quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả-rập. Ông khẳng định rằng Iran “hoan nghênh lợi ích của Ai Cập trong khôi phục quan hệ song phương”.

Báo chí suy đoán về nỗ lực hòa giải giữa hai quốc gia sau khi Quốc vương Oman Haitham Bin Taraq thăm cả hai nước tháng trước, trong nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải.

Những phát biểu gần đây của ông Khamenei được đưa ra trong bối cảnh Ả-rập Xê-út vừa bình thường hóa quan hệ với Iran sau gần 8 năm đóng băng ngoại giao. Iran mở lại đại sứ quán và lãnh sự quán tại Ả-rập Xê-út từ tuần trước.

“Iran luôn mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia Ả-rập, và việc bình thường hóa với Ai Cập, một quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ, sẽ trở thành một thứ giống như phần thưởng đối với Tehran”, HA Hellyer, một học giả công tác tại Viện Carnegie vì hòa bình quốc tế ở London, nhận xét.

“Ngay cả nếu không đúng như vậy, Tehran đang nỗ lực củng cố vị thế của mình với cái giá mà Mỹ phải trả”, ông Hellyer nói, và cho rằng đối với Ai Cập, lợi ích không phải quá nhiều vì “Tehran không có gì mấy để mang lại cho Cairo”.

Cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang chứng kiến hàng loạt chuyển động tích cực giữa các quốc gia từng một thời mâu thuẫn với nhau. Ngoài Ả-rập Xê-út và Iran, Ai Cập cũng đã hòa giải với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Tháng trước, Liên minh Ả-rập hoan nghênh Syria tái gia nhập, sau hơn 1 thập kỷ bị cô lập.

Không thể bình thường hóa với phương Tây, Iran coi việc hàn gắn và củng cố quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông là giải pháp thay thế, Trita Parsi - Phó Chủ tịch Viện Quincy ở Washington, DC, nhận định.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, cả khu vực cũng đang “xác định con đường và chính sách của riêng mình”.

“Chúng ta đang đối mặt với tình hình mới mà trong đó một cấu hình mới đang hình thành trong khu vực, và các bên đều đang cố gắng tối đa hóa khả năng xoay xở của mình trước khi trật tự mới trong khu vực được thiết lập”, Parsi nói với CNN.

Theo nhà nghiên cứu này, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những chuyển động đó là các quốc gia trong khu vực tin rằng vai trò của Mỹ ở đó đã suy giảm, vì thế mức độ bảo vệ của Mỹ cho khu vực cũng giảm theo.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.