Theo BBC, quyết định này được thông qua bởi Hội đồng tối cao về không gian ảo – cơ quan được thành lập từ năm 2012 với mục đích giám sát và kiểm soát các hoạt động Internet của Iran.
BBC nhận định với quyết định này, Iran đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm trò chơi Pokemon Go.
Được biết, trước đó ngoài Iran, mặc dù không cấm hoàn toàn nhưng 1 số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Cuba và Indonesia… đã đưa ra những khuyến cáo về trò chơi này.
Hôm 19/7, giới chức Indonesia đã đưa ra lệnh cấm cảnh sát và binh sĩ chơi Pokemon Go trong lúc làm nhiệm vụ vì lo ngại smartphone có thể bị lợi dụng để trở thành công cụ do thám.
Ngoài ra, tại các nước đang có chiến tranh như Israel, binh sĩ không được phép chơi game này do có thể làm lộ vị trí các căn cứ cho kẻ thù.
Hiện tại, Pokemon Go đã chính thức có mặt tại khoảng 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đồng thời với sự phát triển của game là mối lo ngại của các cơ quan an ninh và tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới.
Một số trang tin của Nga cho rằng, Pokemon Go thực chất là công cụ do Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) phát triển với mục đích gián điệp.
Phủ nhận các ý kiến trên, nhà phát hành game – Niantic yêu cầu tất cả người dùng “tuân thủ các quy định và luật pháp tại địa phương, tôn trọng truyền thống và sự riêng tư của người khác.”
Ứng dụng Pokemon Go. (Ảnh: AFP)
Được biết, Pokemon Go là trò chơi tương tác thực tế (AR) dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và hãng Niantic phát triển. Trò chơi này đang trở thành "hiện tượng mạng" khi liên tục gây sốt trong thời gian gần đây.
Pokemon Go phát hành đầu tiên tại Australia, New Zealand và Mỹ vào ngày 6/7. Điểm độc đáo của trò chơi là người tham gia có thể theo dấu các con Pokemon trong đời thực thông qua sử dụng camera của smartphone, tìm cách bắt chúng và cho chúng tham chiến với Pokemon của người chơi khác.
Tại Việt Nam, game Pokemon Go đã xuất hiện vào sáng ngày 6/8.