Iran - Ảrập Xêút chiến tranh lạnh, Mỹ phải lựa chọn

Vụ hành hình giáo sĩ bất đồng chính kiến Nimr al-Nimr châm ngòi cho cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Iran và Ảrập Xêút. Ảnh: AP.
Vụ hành hình giáo sĩ bất đồng chính kiến Nimr al-Nimr châm ngòi cho cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Iran và Ảrập Xêút. Ảnh: AP.
TP - Khi chiến tranh lạnh giữa Iran và Ảrập Xêút ngày càng nghiêm trọng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ đang nỗ lực ở vị thế trung lập. Nhưng những hành động của họ lại nói lên một câu chuyện khác - dường như Washington đang ủng hộ Tehran.

Sau khi chính phủ Ảrập Xêút thông báo hành quyết 47 tù nhân, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr, Bộ Ngoại giao Mỹ làm hai điều. Thứ nhất, đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại hành động của Riyadh đang “làm phức tạp căng thẳng giáo phái”. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi điện cho Ngoại trưởng Iran Javad Zarif để thúc giục hạ nhiệt cuộc khủng hoảng.

Các phát ngôn viên Nhà Trắng và Bộ  Ngoại giao Mỹ khẳng định, Washington không đứng về bên nào, và rằng ông Kerry cũng sẽ gọi điện cho cả người đồng cấp Ảrập Xêút Adel al-Jubeir. Nhưng nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Ảrập Xêút nói rằng, các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ, những nước cảm thấy bị Iran đe dọa, nhìn nhận mọi việc hoàn toàn khác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby phủ nhận tuyên bố của Ảrập Xêút rằng chính phủ Iran có lỗi trong các vụ tấn công vào sứ quán của họ, và nhấn mạnh rằng, Iran có vẻ đã bắt một số người phải chịu trách nhiệm. Ảrập Xêút cho rằng, lần này chỉ trích của Mỹ đi quá xa vì giáo sĩ Nimr al-Nimr đã xúi giục khủng bố. “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ chỉ trích nào nhằm vào hệ thống tư pháp của vương quốc”, ông al-Jubeir nói.

Sau quyết định Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và dừng các chuyến bay thương mại đến Iran, Bahrain, Sudan và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cũng hạ cấp quan hệ với Iran. Hôm qua, Kuwait gọi đại sứ của họ tại Tehran về nước. Các quốc gia Ảrập do người Sunni lãnh đạo khác cũng có thể sẽ làm tương tự.

“Iran nắm di sản của ông Obama”

Và gốc rễ của vấn đề mà các nước Ảrập dòng Sunni quan ngại là thỏa thuận hạt nhân mà Iran và các cường quốc phương Tây đạt được vào mùa hè năm ngoái. Khi Nhà Trắng đưa thỏa thuận này ra trước Quốc hội và các đồng minh Trung Đông, thông điệp rất rõ ràng: không có gì trong thỏa thuận sẽ ngăn Mỹ trừng phạt Iran trong các vấn đề phi hạt nhân nếu Tehran vi phạm. Nhưng đó không phải vấn đề đáng quan tâm.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ chần chừ vào phút chót việc có tiếp tục trừng phạt 11 tổ chức và cá nhân bị cáo buộc giúp chính phủ Iran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói trước giới làm luật rằng, những biện pháp trừng phạt mới sẽ được thông báo vào ngày 30/12 vừa qua, nhưng đến nay chưa có thông báo nào như vậy. Một số nguồn tin nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã can thiệp vào phút chót.

Giới quan sát cho rằng, Iran có lợi thế lớn trong thời điểm này, khi thế giới đang chờ đợi họ thực hiện những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Iran đã bắt đầu loại bỏ các kho chứa uranium làm giàu mức độ thấp, nhưng vẫn chưa sửa đổi lò phản ứng hạt nhân ở Arak cũng như chưa hoàn thành những nhiệm vụ khác như đã hứa trong thỏa thuận.

Ông Aaron David Miller, một cựu chuyên gia đàm phán Trung Đông và là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, nói rằng, chính quyền Obama coi thỏa thuận Iran là nhân tố ổn định cho một khu vực đang tuột khỏi tầm kiểm soát, và vì thế coi quan hệ với Iran là ưu tiên hàng đầu. “Iran nắm di sản của ông Obama trong tay”, ông Miller nói.

Trong khi đó, Mỹ được coi là đang mất khả năng ảnh hưởng đến lãnh đạo mới của Ảrập Xêút. Riyadh đã thôi vun đắp quan hệ với chính quyền Obama và đang theo đuổi con đường riêng cho đến khi tổng thống mới của Mỹ lên nắm quyền. “Đây là tình thế tồi tệ nhất cho một cường quốc, khi họ nói không với chúng ta mà không phải trả giá hay hứng hậu quả”, ông Miller nói.

Hôm qua, anh trai của giáo sĩ dòng Shiite bị Ảrập Xêút hành quyết, đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ đã không tác động đến Riyahd để ngăn chặn vụ hành hình châm ngòi cho những căng thẳng nguy hiểm mới ở khu vực. “Tôi rất tiếc phải nói rằng, chính phủ Mỹ không có bất kỳ nỗ lực nào trong việc này, cho dù họ biết sự nguy hiểm của vụ hành quyết cũng như hậu quả của nó”, ông Mohammed Al-Nimr nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News. “Chúng tôi đề nghị rất rõ ràng rằng, Tổng thống Mỹ nên can thiệp như một người bạn của Ảrập Xêút nhưng Mỹ đã không can thiệp”, ông al-Nimr nói.

Ông al-Nimr cho biết đã tự đề nghị các quan chức của Lãnh sự quán Mỹ tại Dharan, Ảrập Xêút, để thúc giục Tổng thống Mỹ lên tiếng về án tử hình dành cho em trai ông, “nhưng người Mỹ không đưa ra một tuyên bố như vậy”, ông al-Nimr nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Awamya, miền đông Ảrập Xêút.

Ảrập Xêút hôm qua nói rằng, họ sẽ khôi phục quan hệ với Iran nếu Tehran “ngừng can thiệp vào công việc của nước khác”, và rằng Riyadh sẽ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ các nỗ lực để đạt được hòa bình ở Syria và Yemen, BBC đưa tin. 

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.