Ngày 2/10, lễ khai mạc tuần lễ thể thao quốc gia Indonesia (PON) diễn ra tại sân vận động Lukas Enembe ở phía đông thành phố Jayapura (tỉnh Papua, Indonesia), với quy mô lên tới 10.000 người. Trong khuôn khổ sự kiện, sân vận động được vận hành tối đa 25% sức chứa, khán giả phải được xét nghiệm trước khi vào sân, phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Lễ khai mạc được coi là một trong những phép thử quan trọng cho chiến lược “sống chung với COVID-19” ở Indonesia. Chính phủ nước này đang triển khai chiến lược tăng cường xét nghiệm và tiêm chủng để nới lỏng các biện pháp hạn chế mà không làm gia tăng số ca bệnh.
Theo Worldometers, số ca mắc mới hằng ngày ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã giảm mạnh xuống còn gần 2.000 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 50.000 ca/ngày hồi giữa tháng 7.
Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện công cộng quy mô lớn như PON có thể sẽ đặt ra những thử thách đối với công tác chống dịch của Indonesia, khi mà chưa đến 20% dân số nước này được tiêm đủ liều vắc-xin. Tại tỉnh Papua, nơi tổ chức PON, tỷ lệ dân số được tiêm đủ liều mới chỉ đạt 11%.
Cơ quan y tế Indonesia đang tìm cách tăng tốc tiêm chủng để đón đầu làn sóng COVID-19 tiếp theo. Chính phủ nước này nhận định một đợt bùng phát mới vào cuối năm sẽ là “kịch bản không thể tránh khỏi” vì nguy cơ xuất hiện các biến thể của SARS-CoV-2, theo Straitstimes.
Trong khi đó, chính phủ Singapore đang bắt đầu xem xét đơn giản hoá quy trình chẩn đoán, điều trị COVID-19 trong bối cảnh quốc gia này chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”.
Trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Singapore đã tăng lên mức hơn 2.000 ca chạm mốc kỷ lục 2.909 (ngày 1/10), buộc chính phủ phải tăng cường xét nghiệm. Nhưng các chuyên gia y tế nước này đặt câu hỏi rằng, việc xét nghiệm có thực sự cần thiết đối với những người không có triệu chứng hay không. Trong số các ca bệnh gần đây ở Singapore, có tới 98% không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, vì quốc gia này đã tiêm đủ liều vắc-xin cho gần 80% dân số.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung thừa nhận quy trình xét nghiệm, cách ly và điều trị của Singapore còn phức tạp. “Việc này khiến nhiều người nghĩ rằng COVID-19 là một căn bệnh nghiêm trọng. Trong khi thực tế đối với những người đã tiêm chủng, nó chỉ là một căn bệnh nhẹ”, ông nói.
Bộ Y tế Singapore dự đoán số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở nước này có thể lên tới 5.000 vào khoảng giữa tháng 10, nhưng hầu hết người nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, theo Bloomberg.
Một số quy tắc phòng dịch khác đã được chính phủ Singapore điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới, bao gồm yêu cầu những người có thị thực làm việc, học tập phải tiêm phòng đầy đủ trước khi nhập cảnh (từ 1/11), giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh từ 14 ngày xuống 10 ngày (từ 7/10)…