Một tàu hải cảnh Trung Quốc đi qua tàu chiến Indonesia tháng 7/2019 |
Dữ liệu theo dõi hoạt động của tàu biển cho thấy tàu hải cảnh CCG 5901 lai vãng trong vùng biển quanh quần đảo Natuna, tiếp cận mỏ khí đốt Tuna từ ngày 30/12/2022, Reuters dẫn thông tin từ Sáng kiến công lý biển Indonesia cho biết.
Ông Laksamana Muhammad Ali, tư lệnh Hải quân Indonesia, cho biết một tàu chiến, một máy bay tuần tra biển và một máy bay không người lái được điều ra giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc.
“Tàu Trung Quốc chưa tiến hành hoạt động đáng ngờ nào. Nhưng chúng tôi cần giám sát vì nó đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia một thời gian”, ông Ali cho biết.
Con tàu xuất hiện sau khi Indonesia cho phép khai thác mỏ khí đốt Tuna trên vùng biển Natuna, với khoản đầu tư ban đầu lên đến hơn 3 tỷ USD.
Năm 2021, các tàu của Indonesia và Trung Quốc theo dõi nhau trong nhiều tháng trời gần một giếng dầu thuộc trong lô Tuna.
Khi đó, Trung Quốc thúc giục Indonesia dừng khoan, cho rằng hoạt động này diễn ra trong vùng biển của họ.
Indonesia khẳng định, khu vực phía Nam Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và đã chính thức đặt tên là Biển Bắc Natuna từ năm 2017.
Trung Quốc bác bỏ, tiếp tục sử dụng yêu sách “đường 9 đoạn” đã bị Toà trọng tài quốc tế kết luận không có cơ sở pháp lý trong phán quyết đưa ra năm 2016.