Gói đầu tư của IFC vào TPBank có giá trị 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank. Việc đầu tư của IFC sẽ giúp TPBank có thêm nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển cũng như cung cấp các khoản vay với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới.
Cùng với khoản đầu tư này, IFC cũng sẽ tham gia tư vấn cho TPBank trong các lĩnh vực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực phát triển cũng như hỗ trợ để TPBank trở thành ngân hàng số một hàng đầu, có vị thế trong mảng dịch vụ tài chính ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng như vươn tầm ra thị trường tài chính quốc tế.
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi có sự tham gia của IFC với vai trò là một cổ đông mới, đánh dấu chiến lược hợp tác dài hạn giữa hai bên. Khả năng tài chính dồi dào cùng uy tín và mạng lưới quan hệ rộng khắp của IFC sẽ giúp TPBank tăng cường hơn nữa nguồn vốn, năng lực quản trị và phát triển cơ hội hợp tác với các tổ chức tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế”.
Các chuyên gia tài chính đánh giá, việc TPBank thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào thời điểm ngành ngân hàng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức là nhờ Ngân hàng này đã có những thành tựu nổi trội sau 4 năm tự tái cơ cấu, là minh chứng cho thấy sự tin tưởng và đánh giá cao của IFC vào năng lực quản trị và các bước phát triển bền vững, chắc chắn của ngân hàng này.
Được thành lập vào năm 2008, TPBank sở hữu bởi các cổ đông chiến lược bao gồm: Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn Công nghệ FPT, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holding Pte. Ltd.,Singapore và với thỏa thuận mới này IFC sẽ là cổ đông thứ 6 của TPBank. Tính đến giữa năm 2016, TPBank đã đạt quy mô ngân hàng tầm trung với tổng tài sản đạt trên 83.200 tỷ đồng, vốn điều lệ sau khi có cổ đông mới IFC là 5.842 tỷ đồng.