Trong số các xã gánh chịu thiệt hại nặng ở huyện nghèo Phước Sơn là 3 xã vùng cao Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim. Dù giao thông đã cơ bản được thông tuyến, nhưng để lên 3 xã này phải cậy nhờ đến các xe tải, xe bán tải gầm cao hoặc những tay lái xe ôm lão luyện vừa đi vừa đẩy.
Bên này cầu Dầm bắc qua sông Đăk Mi là xã Phước Công, bên kia là đường dẫn lên 3 xã vùng cao hun hút giữa đất đỏ, bụi mù. Đứng giữa cầu phóng mắt nhìn quanh là cảnh núi rừng sạt lở đến rợn người. “Kỳ lạ, núi rừng Phước Sơn không hiểu sao đợt rồi toàn lở từ đỉnh núi lở xuống. Đồi trọc không nói, nhưng núi rừng còn cây cũng lở, đất đá chạy ào ào như nước. Ai chưa đến thì khó hình dung các xã vùng cao Phước Sơn phải gánh chịu là như thế nào”, anh Trần Ba, lái xe chở chúng tôi vào Phước Lộc chia sẻ.
Từ cầu Dầm, nhìn xuống phía dưới dòng sông Đăk Mi còn ngổn ngang đất đá. Phía thượng nguồn không xa, một phần nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị vùi lấp, máy móc đang gầm rú đào bới khôi phục. Ngay phía sau nhà máy, cả một cây cầu kiên cố với mố cầu cao lớn dẫn vào nhà máy cũng đã bị gãy. Trong mưa bão, có 211 công nhân của nhà máy thuỷ điện này bị cô lập tại công trường, nhiều ngày sau đó mới được giải cứu đưa ra ngoài an toàn. Phía trên, những taluy dương sạt lở kinh hoàng, để lại dấu vết nham nhở sau những đợt lở núi.
Xóm làng bên dòng sông Nước Mát vốn hiền hòa, thơ mộng, nay tan hoang như sau một trận bom. Nền đất nơi chúng tôi đứng vốn là căn nhà kiên cố, khang trang của gia đình ông Hồ Văn Long (Phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc). Từ nhiều năm trước, nhìn thế sông, thế núi lý tưởng, đất đai bằng phẳng màu mỡ nên vợ chồng ông quyết định ra đây dựng nhà, khai hoang, xây dựng trang trại. Gia đình ông Long trở thành điển hình làm ăn, phát triển kinh tế ở xã.
Thế nhưng nay, dấu vết còn lại của cơ ngơi gia đình ông chỉ là nền gạch giữa ngổn ngang đất đá. Trắng tay, gia đình ông Long phải xin dựng nhà tạm bên hông trường tiểu học xã để tá túc. Dù không còn nhà, nhưng từ khi xảy ra biến cố, hằng ngày vị phó chủ tịch xã này vẫn ngược xuôi lo lắng cho bà con sớm ổn định cuộc sống.
Ông Long kể, hôm mưa bão vào, rất may là hai người con của ông đang đi học ở dưới xuôi. Ông cùng vợ lên trụ sở UBND xã để nấu cho bà con đang sơ tán, tránh trú tại đây. Mưa bão ngớt, trở về thì thấy cảnh tan hoang, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc. Thiệt hại gia đình, ông ước tính khoảng hơn 500 triệu đồng.
“Còn người còn của. Dân làng bao người hoàn cảnh còn thương tâm hơn mình. Là cán bộ phải lo cho dân trước đã. Tôi đang tính vay mượn anh em, bạn bè, chờ có mặt bằng rồi mới làm lại nhà kiên cố để ở. Làm lại từ đầu, vợ chồng bảo nhau, khó khăn mấy cũng không để 2 con phải thất học”, ông Long chia sẻ.
Phó chủ tịch xã Phước Lộc cũng cho biết: Đợt mưa lũ tổng cộng đã làm 43 hộ dân trên địa bàn xã bị thiệt hại. Hiện xã đã tiến hành làm 21 nhà tạm cho 22 hộ dân tá túc trước khi xây dựng nhà ở cho họ. Còn lại 21 hộ bị thiệt hại hiện tá túc tại nhà bà con trên địa bàn xã trong khi chờ mặt bằng để làm nhà. “Xã Phước Lộc giờ nhìn đâu cũng thấy núi rừng sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ. Khó khăn nhất vẫn là tìm mặt bằng. Giờ không biết ở đâu là điểm an toàn”, ông Long nói.
Nỗi đau còn mãi
Phước Lộc có 13 người chết và mất tích (mới tìm thấy thi thể 9 người) là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất ở Phước Sơn. Chính quyền địa phương đang đề xuất truy tặng liệt sĩ cho 2 cán bộ xã Phước Lộc là anh Hồ Văn Sợ (27 tuổi, nguyên cán bộ dân vận xã) và Hồ Văn Độ (31 tuổi, nguyên Phó bí thư Đoàn xã) tử nạn khi đi cứu nạn người dân thôn 6 bị vùi lấp. Thi thể anh Độ đã được tìm thấy trong lòng hồ thủy điện nhưng thi thể của anh Sợ và 3 người dân xấu số vẫn còn nằm đâu đó giữa ngổn ngang đất đá, bát ngát núi rừng, khe suối.
Chồng tử nạn khi đi giúp dân, nhà cũng bị vùi lấp, chị Hồ Thị Giang (vợ anh Hồ Văn Sợ) cùng con nhỏ mấy tháng rồi phải ở nhà tạm. Giữa trưa, chị Giang đang dỗ con gái 4 tuổi ăn cơm. Bữa ăn bày ra trên nền đất, đạm bạc chỉ có cơm, canh và cá nục kho mặn. Nhắc đến tên chồng, chị Giang nghẹn ngào trong nước mắt: “Đã mấy tháng rồi, đêm nào con cũng hỏi mẹ sao cha đi làm chưa thấy về…”
Anh Sợ, chị Giang đều là người địa phương, lớn lên yêu thương nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Chồng cán bộ xã, vợ làm nhân viên tạp vụ cho ủy ban êm ấm thuận hoà. Nhưng rồi cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ bỗng chốc tan biến trong cuồng phong thịnh nộ của núi rừng.
Chị Giang kể, hôm xảy ra sạt lở, anh Sợ cùng cán bộ xã lập tức lên đường vào thôn 6 để tìm kiếm người dân bị vùi lấp do bị lở núi. Khi anh Sợ đang trên đường làm nhiệm vụ, thì ở nhà một vụ lở núi khác vùi lấp mái ấm của vợ chồng. May mắn thời điểm đó, chị Giang cùng con đã được đưa đi sơ tán kịp thời nên thoát nạn.
Chưa kịp mừng vì mẹ con thoát chết, thì chị nhận tin chồng đã bị nước cuốn mất tích. Tin dữ như sét đánh ngang tai, chị Giang chết lặng rồi ngất xỉu lúc nào không hay. Những ngày sau đó, chị Giang vào tận hiện trường trực tiếp đào bới tìm xác chồng trong vô vọng. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc ròng mấy tuần liền. Dân làng xúm tay, dựng căn nhà tạm để 2 mẹ con chị có chỗ tá túc, tránh mưa tránh nắng. Chồng mất tích, mình chị cáng đáng nuôi con nhỏ. Chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, một căn nhà theo kiểu mẫu đang gấp rút hoàn thiện để mẹ con chị dọn về.
“Hai mẹ con nay cũng đã tạm ổn. Giờ chỉ thương chồng lạnh lẽo, không biết thân xác đang ở nơi đâu. Thương con thơ đêm đêm giật mình, gọi tên cha trong giấc ngủ…”, chị Giang nghẹn ngào.
Anh Bùi Dương Quốc Anh, cán bộ Văn phòng UBND xã Phước Lộc cho biết : Phó bí thư Đoàn xã Hồ Văn Độ chưa có gia đình sống cùng bố mẹ già, hoàn cảnh cũng rất thương tâm. Hai cán bộ tử nạn, mất tích là những cán bộ trẻ năng nổ, được dân làng yêu mến. Các anh mất đi là mất mát lớn cho gia đình và cho cả địa phương. Nỗi đau không biết đến bao giờ nguôi.
Anh Quốc Anh kể thêm: Trụ sở UBND xã là điểm cao và an toàn nên trở thành điểm trú tránh cho bà con. Hôm xảy ra sạt lở, cả trụ sở UBND xã toàn là tiếng la thét, gào khóc của dân làng khi hay tin mất nhà, mất người thân. “Sông cuộn chảy trước mặt, núi đổ ào sau lưng, ai ai cũng kinh hồn bạt vía. Giờ đã qua, nhưng nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ thấy cảnh tượng hãi hùng đó. Ám ảnh mãi. Thương bà con, không biết bao giờ mới vơi nỗi đau, mất mát, mới chữa lành vết thương”, anh Quốc Anh nói.
Trở về điểm xuất phát
Trường mẫu giáo ở thôn 2 xã Phước Thành được đầu tư xây dựng quy mô 2 tầng kiên cố chưa kịp đưa vào sử dụng đã bị nước lũ làm hư hỏng, tường đổ sập, móng nền trơ sắt thép. Cạnh đó, chị Hồ Thị Đĩa (34 tuổi) cùng chồng đang dựng lại nhà để ở. Nằm ở vị trí trung tâm xã, cạnh các trường học nên khu vực này là vị trí “sầm uất” nhất của xã Phước Thành. Chị Đĩa đưa điện thoại cho xem ảnh nhà mình và xóm làng chụp trước khi xảy ra sạt lở. Những căn nhà đẹp, kiên cố giờ chỉ còn trong ký ức của người dân. Chị Đĩa kể, nước lũ từ núi cao đổ xuống trường mầm non, dân làng hét nhau chạy lên trường tiểu học tránh nạn, thoát chết trong gang tấc.
Cánh đồng lúa bên suối nước Coi vốn màu mỡ, là nguồn sống của các hộ dân tổ Triên, thôn 3 xã Phước Kim, sau mưa bão đã trở thành cánh đồng… đá. Hơn 5 hecta ruộng lúa của bà con mấy chục năm khai hoang, cày cấy đã bị vùi sâu trong đá cuội. Ông Hồ Văn Thanh, một hộ dân tổ Triên, cho biết: Cánh đồng là nguồn sống chủ yếu cho bà con bao đời. Trong mưa bão, không hiểu đá cuối từ đâu chạy về lấp kín cánh đồng, không để lại một dấu vết. “Bà con đã được hỗ trợ gạo, lương thực để ăn tạm. Nhưng về lâu dài không còn ruộng, dân đây không biết làm gì để có cái ăn”, ông Thanh thở dài.
Không chỉ cánh đồng tổ Triên bị vùi lấp, theo thống kê ở Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim có khoảng 44ha ruộng lúa bị vùi lấp, khó phục hội sản xuất sau thiên tai. Ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thở dài: “Bao nhiêu cố gắng đầu tư của nhà nước cho các xã vùng cao xây dựng nông thông mới nay đã bị tàn phá. Dân mất nhà, mất đất sản xuất, hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng. Sau bao năm nỗ lực xây dựng, kiến tạo, các xã vùng cao nay trở về vạch xuất phát trong muôn vàn khó khăn. Phước Sơn không biết đến bao giờ mới khắc phục xong hậu quả nặng nề”.
Theo ông Điểm, sau thiên tai, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã vùng cao tăng trở lại, với nhiều hệ luỵ khó tránh khỏi. Chính quyền đã hỗ trợ và nỗ lực kiến nghị cấp trên, đồng thời kêu gọi mạnh thường quân, các tổ chức cá nhân giúp đỡ bà con vùng thiệt hại sớm ổn định cuộc sống. “Ngoài kinh phí, thì khó khăn nan giải lớn nhất của huyện là thiếu mặt bằng để di dời, xây dựng nhà cửa cho dân. Ở đâu cho an toàn là bài toán khó của huyện bởi nhìn đâu cũng thấy sạt lở, cũng thấy nguy cơ”, ông Điểm cho biết.