Công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019. Công trình được xây dựng ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), đây là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định.
Công trình được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2. Trong đó, phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m và bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối.
Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân hai làng Tơlok, Tơlek tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm.
Công trình với tổng vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2020.
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, ý tưởng xây dựng công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước, đến nhiệm kỳ 17 này UBND tỉnh mới cho chủ trương xây dựng, hiện công trình tượng đài này đã hoàn thành được 50%.
Theo đó, trước khi làm công trình bức tượng đài, địa phương đã họp rất nhiều lần, mời các già làng trưởng bản của người đồng bào Ba Na ở Vĩnh Thạnh đến để lấy ý kiến về phong tục, tập quán.
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh còn cho biết thêm, trước đây, trong bản phác thảo đầu tiên có vài chi tiết sai so với thực tế của đồng bào Ba Na ở địa phương, ví như mẫu váy, khố là của dân tộc phía Bắc.
Sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã ra đến Hà Nội kiểm tra phác thảo, sau đó chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh mời các già làng trưởng bản về tham gia hội thảo bàn về nội dung của tượng đài.
Tại hội thảo, nhiều mẫu váy, khố và động tác đứng bắn cung được các “người mẫu” sắm vai diễn tại chỗ, để các già làng trưởng bản xem và bàn bạc sửa đổi cho phù hợp. Sau khi tất cả các già làng trưởng bản thống nhất, hình ảnh ấy được chụp lại để gửi ra Hà Nội để điều chỉnh phác thảo.