Huyện Mê Linh: Đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn huyện Mê Linh có 16/16 xã đạt chuẩn NTM và đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu phát triển theo hướng đô thị...

Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, giai đoạn 2010-2020, huyện đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Theo đó, giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên. Tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng NTM đạt từ 96% - 99%.

Huyện Mê Linh: Đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị  ảnh 1

Huyện Mê Linh là một điểm sáng về phát triển sản xuất nông nghiệp với các vùng chuyên canh hoa, rau

Ngoài việc xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện Mê Linh đã chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện ngày càng được nâng lên.

Phát triển nông thôn bền vững

Huyện Mê Linh cũng là một điểm sáng về phát triển sản xuất nông nghiệp, đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn như vùng chuyên canh rau (xã Tráng Việt, Tiền Phong, Văn Khê...), vùng chuyên canh hoa (Mê Linh, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Kim Hoa, Văn Khê), vùng chuyên canh cây ăn quả (Tráng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê...), vùng chăn nuôi tập trung (Tam Đồng, Liên Mạc, Tiến Thắng...). Trong đó rau, hoa có sản lượng cung cấp, đáp ứng cho từ 20- 25% lượng tiêu thụ của người dân Thủ đô. Thu nhập bình quân quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người, năm 2021 đạt 58,6 triệu đồng/người; số hộ nghèo của các xã đến hết năm 2020 chỉ còn 1 hộ.

Đối với hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn: Giao thông nông thôn, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân từng bước được cải thiện.

Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính vì vậy, huyện Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu để đảm bảo xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững: Kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao.

Ngày 8/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 690/QĐ-TTg công nhận huyện Mê Linh, Hà Nội đạt chuẩn NTM năm 2020. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Mê Linh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

MỚI - NÓNG