Quy hoạch bán đảo Quảng An:

Quy hoạch bán đảo Quảng An: Không gian xanh gắn với công trình văn hóa biểu tượng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đồ án Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An không chỉ hiện thực hóa không gian văn hóa hồ Tây, mà còn góp phần thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo Thủ đô.

Thời gian gần đây, dư luận báo chí và người dân rất quan tâm về việc thành phố Hà Nội lấy ý kiến Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ, trong đó có điểm nhấn là nhà hát đa năng xây nổi trên mặt hồ Đầm Trị.

Quy hoạch bán đảo Quảng An: Không gian xanh gắn với công trình văn hóa biểu tượng ảnh 1

Thiết kế nhà hát đa năng tại khu vực hồ Đầm Trị, sát hồ Tây. Ảnh: UBND quận Tây Hồ

Đây cũng là dịp để các nhà hoạch định, nhà quản lý và người làm nghệ thuật nghiêm túc nhìn nhận thực trạng thiết chế văn hóa của Thủ đô, cụ thể là nhà hát. Bởi thực tế, Hà Nội chưa có nhà hát xứng tầm để hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội nhận định: Nhiều người phản ứng với Đồ án nhà hát hiện đại, nhưng Hà Nội quả thực đang thiếu một nhà hát xứng tầm, mang dấu ấn thời đại. Theo ông Tiến, Hà Nội sở hữu sáu nhà hát công lập, Hà Nội đứng đầu cả nước về thiết chế văn hóa nhưng với chừng đó chưa lấp đầy khoảng trống. “So với yêu cầu hiện nay, Hà Nội cần thiết chế văn hóa tầm cỡ hơn nữa đáp ứng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu thưởng thức ngày càng khắt khe. Rạp Chuông Vàng mới được nâng cấp, rạp hát của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long dù được sửa chữa nhưng không phù hợp với công năng sử dụng, khai thác chưa hiệu quả”, ông Tiến nói.

"Sau khi tổng hợp ý kiến, quận Tây Hồ sẽ cập nhật các ý kiến đóng góp, gửi cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh để báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định lại đồ án. Tất cả các công trình khi được thực hiện sẽ không ảnh hưởng đến diện tích mặt nước đã có ở hồ Tây. Tuyệt đối đảm bảo cảnh quan môi trường”.

Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, nghiên cứu hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng thành phố cho thấy, Hà Nội đã 7 lần được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Trong đó, quy hoạch phê duyệt năm 1992 đã xác định rõ khu vực hồ Tây là trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành: Trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí Thủ đô”.

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, có bề dày văn hóa, mang tính dẫn hướng cho phát triển văn hóa quốc gia. Với tinh thần như vậy, các loại công trình phục vụ văn hóa, nhà hát là thể loại quan trọng mang tính kết nối, phục vụ cộng đồng.

“Suốt hơn 40 năm qua, Hà Nội chưa được bổ sung công trình văn hóa nào có quy mô lớn có khả năng hội nhập quốc tế. Do đó, lần này là cơ hội quý giá với thành phố để có một công trình xứng tầm, đặc biệt vào thời điểm triển khai trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa”, KTS Sơn khẳng định.

Di sản để lại cho thế hệ sau

Cũng theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, vẫn còn một số nội dung cần hoàn chỉnh như: Quy hoạch tuyến hướng giao thông, lối đi tiếp cận nhà hát cho phù hợp... Tuy nhiên, việc xác định một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, gắn kết với không gian văn hóa hồ Tây, góp phần liên kết, kiến tạo trục văn hóa Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa là chấp nhận được.

Nhận định về vai trò của những công trình văn hóa tầm cỡ đối với sự phát triển văn hóa xã hội và kinh tế của Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trải qua nghiên cứu gần 30 năm, quy hoạch A6 trục hồ Tây mới được ra đời. Dù có trái chiều nhau đi chăng nữa, phải khẳng định rằng một nhà hát đa năng ở vị trí Đầm Trị là hợp lý.

“Càng ngày công nghiệp văn hóa, sáng tạo càng trở thành một động lực và là một điểm mạnh của Hà Nội cũng như của các đô thị lịch sử ở Việt Nam. Có lẽ chúng ta phải nắm bắt được, để từ đó có những giải pháp thích hợp. Vừa hài hòa thiên nhiên, vừa tiếp cận hội nhập, tổng hòa với nhau để có những biểu tượng, di sản cho thế hệ sau”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

MỚI - NÓNG