Huyền Chip: Xin visa đi Nam Phi, tôi từng khóc rất nhiều

Huyền Chip: Xin visa đi Nam Phi, tôi từng khóc rất nhiều
TPO - "Xin visa cũng tuỳ từng nước và tuỳ vận may của bạn. Vẫn có lúc tôi bị từ chối visa và phải thay đổi lịch trình...", Huyền Chip - cô gái đi qua 25 nước - chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Toán (ĐH Quốc gia Hà Nội), Huyền Chip - tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền - quyết định đi làm ngay mà không học đại học. Sau một thời gian làm việc tại Malaysia, cô nảy ra ý muốn du lịch một số nước. Với vỏn vẹn 700 USD, Khánh Huyền đã du lịch 25 quốc gia ở châu Á, châu Phi.

Huyền Chip trong hành trình đến châu Phi
Huyền Chip trong hành trình đến châu Phi.
 

Vừa trở về từ Nam Mỹ, Huyền Chip phát hành tập 2 cuốn “Xách ba lô lên và đi” mang tên “Đừng chết ở châu Phi”. Đi qua nhiều quốc gia, Huyền Chip được nhiều người ngưỡng mộ lẫn tò mò về cách xin visa các nước của cô gái 23 tuổi.

Bạn đã đi nhiều nơi như vậy, không biết trở ngại của bạn trên hành trình đến các vùng đất mới là gì?

Trên đường đi có rất nhiều trở ngại: trở ngại ngôn ngữ, trở ngại về tiền bạc, trở ngại về visa.

Vậy điều gì là trở ngại lớn nhất?

Nếu phải chọn trở ngại nhất, có lẽ tôi sẽ chọn rào cản visa. Không tiền đó là lỗi của bản thân, và tôi có cơ hội để kiếm được nhiều tiền. Không nói được ngôn ngữ của họ cũng vậy vì mình là kẻ xa lạ trên mảnh đất của họ. Nhưng rào cản visa nghĩ lại thì nhiều lúc thật bất công. Trước nó, tôi bất lực. Những người có hộ chiếu châu Âu sao chỉ có thể bước vào bao nhiêu nước mà mình vất vả xin bao nhiêu lần cũng không được?

Nhiều người thường tự hỏi không biết bạn xin visa bằng cách nào để đi được từng ấy nước bởi vì chuyện xin visa là điều thường bị e ngại đầu tiên khi nghĩ đến chuyện du lịch nước ngoài?

Nếu ai hiểu rõ chính sách visa các nước trên thế giới thì sẽ biết rằng xin visa nhiều nước khó, nhưng không phải xin visa tất cả các nước đều khó. Bạn có thể tìm trang web bộ ngoại giao các nước trên mạng để đọc thông tin về chính sách visa của họ. Chính sách visa mỗi nước một khác nhau và thường quốc gia càng phát triển chính sách visa của họ càng chặt chẽ vì họ sợ người nhập cư lao động trái phép, sợ khủng bố. Thắt chặt chính sách visa cũng là một cách thắt chặt an ninh.

Hầu hết các nước tôi đi là các quốc gia đang phát triển. Không có quá nhiều người ham muốn nhập cư sang nước họ mà họ lại cần nguồn thu về du lịch nên chính sách visa khá dễ. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể vào mà không cần visa. Nhiều nước trong số các nước còn lại có thể mua visa ngay tại cửa khẩu (đường bộ hoặc đường máy bay) như Myanmar, Nepal, Kenya, Tanzania, Mozambique, Bolivia. Và cũng có nhiều nước không thể xin được visa sang nước họ mà tôi đành chuyển hướng, ví dụ như Pakistan, Sudan, Nam Phi. Tôi chưa sang Mỹ, châu Âu cũng như các nước có chính sách visa ngặt nghèo.

Huyền Chip và một đám cưới ở Ethiopia
Huyền Chip và một đám cưới ở Ethiopia.
 

Cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc bạn chỉ “nói khoác” thôi bởi theo họ, xin visa cần chứng minh số tiền nhất định trong tài khoản và bạn không thể có nhiều tiền đến thế?

Các bạn này chắc mới chỉ nghe nói hoặc xin visa đi một vài nước phát triển rồi lấy cái quy luật này áp dụng sang tất cả các nước còn lại (Cười).

Tôi có thể kể rất nhiều nước mình có thể xin visa mà không cần chứng minh tài chính. Các nước có thể mua visa ở cửa khẩu mình kể ở phía trên là một ví dụ. Một số nước khác xin visa không cần chứng minh tài chính ví dụ như Ethiopia, Zimbabwe. Một số nước yêu cầu mình chứng minh tài chính có thể xê dịch yêu cầu này nếu bạn có thư giới thiệu từ một công ty nói rằng họ sẽ tài trợ cho chuyến đi của bạn với mục đích gì đó, ví dụ như nghiên cứu phát triển sản phẩm của họ. Xin visa cũng tuỳ từng nước và tuỳ vận may của bạn. Và tôi xin nói lại: Vẫn có lúc tôi bị từ chối visa và phải thay đổi lịch trình, cũng như tôi chưa bao giờ xin visa sang các nước nổi tiếng là visa khó như Mỹ, châu Âu.

Trước những nghi ngờ của nhiều người, bạn cảm thấy thế nào?

Hồi đầu tôi cũng bực lắm. Nhưng sau một thời gian đọc bài viết của những người nghi ngờ mình, dẫn chứng theo kiểu: “Xin visa nước nào cũng cần chứng minh 5.000 USD”, “Làm sao nó kiếm được việc? Đến mình chuyên gia này nọ còn không kiếm được việc”, tôi thấy mình không cần phải bức xúc. Rất nhiều người trong số họ nghĩ bản thân không làm được thì người khác cũng không ai làm được.

Bây giờ, tôi chấp nhận nó là mặt trái của việc được nhiều người biết tới. Họ có thể ghét bạn, chửi bạn và trên mạng là ảo, không ai biết ai nên điều này càng dễ dàng hơn.

Bạn có thể chia sẻ câu chuyện mà bạn bức xúc nhất khi xin visa?

Quá trình xin visa khiến tôi ức chế nhất là xin visa Nam Phi. Mình xin visa Nam Phi từ Zambia bị từ chối, sang đến Zimbabwe xin visa cũng bị từ chối, Mozambique cũng bị từ chối nữa thì mình ức chế quá, bỏ cuộc không sang Nam Phi nữa mà về lại Việt Nam. Trong suốt quá trình xin visa Nam Phi, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi có một thằng bạn người Anh đạp xe đi dọc châu Phi, hai đứa gặp nhau rất nhiều trên đường đi và hẹn gặp ở Nam Phi. Nó chỉ cần giơ hộ chiếu Anh ra là vào được và không thể tin rằng tôi vất vả như thế mà vẫn không vào được.

Huyền Chip: Xin visa đi Nam Phi, tôi từng khóc rất nhiều ảnh 3
 

Ở châu Phi, hẳn khó khăn hơn nhiều trong việc xin visa hơn so với châu Á và châu Mỹ?

Không đâu. Tôi dọc bờ phía Đông của châu Phi và xin visa hầu hết các nước này đều rất dễ. Phần lớn các quốc gia châu Phi đi qua tôi có thể mua visa ngay tại biên giới.

Nơi nào khiến bạn thực sự chán nản và muốn bỏ cuộc khi xin visa? Những lúc đó, điều gì khiến Huyền kiên trì chờ đợi?

Không xin được visa ở nước này tôi sang nước kia xin tiếp. Ví dụ như khi xin visa Ethiopia ở Ai Cập họ không cho nhưng đại sứ quán Ethiopia ở Israel, người ta lại cấp cho. Cũng có lúc tôi phải bỏ cuộc chứ.

Với những bạn trẻ không dám đi du lịch bụi chỉ vì suy nghĩ “xin visa khó lắm”, Huyền có lời khuyên nào hay không?

Xin visa khó nhưng không phải là không thể. Bạn phải hiểu chính sách của nước bạn muốn đi nó ở mức độ nào còn biết đường đối phó. Đừng thấy khó mà nản, quan trọng là bạn phải quyết tâm lên đường !

Cảm ơn những chia sẻ của Huyền Chip!

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.