Hủy bản án vụ chú rể giết người trong ngày cưới

Hai bị cáo tại tòa phúc thẩm ngày 12/6. Ảnh: Tân Châu
Hai bị cáo tại tòa phúc thẩm ngày 12/6. Ảnh: Tân Châu
TPO - Vài giờ sau tiệc cưới, chú rể tham gia ẩu đả cuối cùng chính chú rể cũng là kẻ giết người.

Hôm nay (12/6), TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao xét xử lại theo tình tự sơ thẩm vụ phạt 2 anh em ruột (cùng ngụ quận 12, TP.HCM) là bị cáo Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1975 và Nguyễn Hoàng Sơn, sinh năm 1982 – cùng tội danh “Giết người”.

Trước đó, vào ngày 19/7/2016, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân bị cáo Sơn, 12 năm tù bị cáo Phụng.

Sau bản án sơ thẩm, Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn Phụng kháng cáo kêu oan vì cho rằng mình không đánh nạn nhân.

Bản án sơ thẩm của TAND cho rằng: ngày 11/1/2015, Phụng và Lê Thị Thuận tổ chức đám cưới tại nhà của Phụng (quận 12, TP.HCM). Dự đám cưới có Sơn, Hoàng (em ruột Phụng) và Thạch Hận (bà con của Phụng).

Đến khoảng 16h cùng ngày, khi đám cưới kết thúc, Hận điều khiển xe máy ra về và va chạm vào người Trần Trọng Nghĩa và Phạm Duy Lành đang đi bộ trong hẻm dẫn tới cãi vã, xô xát.

Hận dùng tay tát Nghĩa 1 cái, Nghĩa gọi nhờ Nguyễn Văn Trí tới hòa giải. Trí lúc này đang uống rượu bia với Đỗ Đăng Khoa, Thái Hoàng Nguyên, Hồ Minh Tuấn và Trần Vũ Luân nên Trí rủ cả nhóm cùng đi.

Khoảng 16h20 cùng ngày, nhóm Trí đi đến đầu hẻm nhà Phụng, Sơn. Lúc này Hận cũng vừa chạy xe máy từ ngoài vào hẻm thì Nghĩa giơ tay đánh mạnh vào mặt Hận nhưng không trúng. Hận chạy xe vào nhà Phụng rồi cùng Phụng, Sơn chạy ra nghênh chiến.

Kết thúc cuộc ẩu đả, Nguyễn Văn Trí bị anh em Phụng và Sơn dùng dao đâm nhiều nhát dẫn đến tử vong.

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 12/6, các nhân chứng đều khai nhận không nhìn thấy Phụng tham gia đánh bị hại, do đó HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Trao đổi với PV sau phiên tòa, 1 luật sư Đoàn TP.HCM tham gia phiên tòa phúc thẩm cho rằng: Lý do Tòa hủy án liên quan tới bị cáo Phúc, do đó chú rể Sơn khó ‘thoát’ tội danh giết người dù Tòa có xử lại.

“Tuy nhiên, trong quá trình xử lại có thể sẽ có diễn biến khác, vì 2 bị cáo cùng bị truy cứu 1 tội danh, nếu có sự thay đổi hành vi của bị cáo này thì có thể tác động hành vi của bị cáo kia – và ngược lại” – vị luật sư nói.

MỚI - NÓNG