Có nhiều lý do dẫn tới khả năng này. Thứ nhất, HLV Hữu Thắng đã chủ động xin từ chức. U22 Việt Nam đã thua đậm kình địch trong khu vực một cách tâm phục, khẩu phục và ở vị trí toàn quyền về chuyên môn, HLV Hữu Thắng đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với thành bại của đội bóng. Đây là chuyện phổ biến các nơi, không riêng Việt Nam.
Nhìn rộng ra thì những HLV tài năng trên thế giới như Jose Mourinho, Carlo Ancelotti hay Arsene Wenger…đều phải chấp nhận ra đi cay đắng sau thất bại của đội bóng, bất chấp trước đó có thành công tới đâu. HLV Hữu Thắng trong khi đó chưa đem lại danh hiệu cụ thể cho các ĐTQG. Với việc bị loại từ vòng bảng, U22 Việt Nam và cựu trung vệ xứ Nghệ đã không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Trước đó, ông Thắng cũng không đưa được đội tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup 2016 theo nhiệm vụ được giao phó. Hai năm liên tiếp thất bại ở hai giải đấu lớn, việc HLV Hữu Thắng phải ra đi là rất khó tránh. Quyết định từ chức chỉ cho thấy, Hữu Thắng thực sự “nói là làm”, chấp nhận đánh cược với sự rủi ro của nghề nghiệp. Chiếc ghế HLV trưởng các ĐTQG luôn “nóng” và Hữu Thắng tất hiểu điều này.
Thứ 2, quan trọng hơn, VFF có lẽ cũng không thể giữ lại ông Thắng nếu muốn, nếu nhìn vào chất lượng chuyên môn thực sự các đội bóng 2 năm vừa qua. Dù ít nhiều xây dựng được lối đá phối hợp nhỏ, đá ngắn, được cho rằng thích hợp với cầu thủ Việt Nam, nhưng dấu ấn chuyên môn HLV Hữu Thắng tạo nên đối với các đội bóng là không thực sự đậm nét.
VFF chắc chắn sẽ phải ngồi lại với HLV Hữu Thắng để bàn bạc trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Nhưng với các lý do trên, gần như chắc chắn việc ông Thắng ra đi chỉ là chuyện thời điểm. Phía trước theo kế hoạch, HLV Hữu Thắng còn một trận cùng đội tuyển Việt Nam với Campuchia tại Asian Cup. Xa hơn, U23 Việt Nam đã giành quyền vào VCK U23 châu Á 2018. Tuy nhiên với tâm trạng hiện tại, HLV Hữu Thắng có muốn cũng khó lòng toàn tâm, toàn ý cho công việc.