Hướng về Nguyên Bình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những chuyến xe yêu thương đang nối dài trên quốc lộ 34 hướng về huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Leo lắt Chạn Xá

Trên mạn Chạn Xá Nguyên Bình (Đường rẽ Nguyên Bình), 48 hộ dân người Dao, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình trú ngụ trong những túp lều tạm bợ. Sạt lở đất đã vùi lấp những ngôi nhà, dân làng lũ lượt kéo nhau về Chạn Xá tạm trú cho qua ngày giờ hiểm nguy.

Sự thịnh nộ của mẹ thiên nhiên bỗng chốc khiến cuộc sống an vui của họ trở nên leo lắt bên ngọn đồi, mỏm đá trơ trụi. Trong túp lều dựng bằng cây tre, cây trúc phủ thêm tấm bạt, vợ chồng ông Lý Phụ Cán cặm cụi nhóm lửa nấu nước pha mì tôm. Nhiều ngày tháo chạy khỏi “lưỡi hái tử thần” đã khiến gia đình ông Cán mệt mỏi. Khuôn mặt sạm đen bởi sương gió núi rừng nay thêm phần khắc khổ.

“Ngọn núi ở xóm chúng tôi sạt lở, nhiều nhà bị vùi lấp, trên đỉnh núi xuất hiện vết nứt lớn chỉ chờ đổ ập xuống, cả xóm cuống cuồng tháo chạy, vật dụng mang theo cũng chẳng có gì giá trị, bảo toàn được tính mạng là tốt rồi”, ông Cán cho hay.

Hướng về Nguyên Bình ảnh 1

Người dân Ca Thành, Vũ Nông (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) cần được hỗ trợ

Nhận tô mì tôm từ vợ, ông Cán ngấu nghiến ăn để có năng lượng vượt qua những ngày cơ cực. Ngồi kế bên, bà Phượng Mùi Bấy (vợ ông Cán) sắp xếp lại chai nước, chiếc bánh chưng, gói lương khô cho gọn gàng mà bà vừa ra ngoài đường nhận cứu trợ từ thiện.

Đó cũng là nguồn sống của vợ, chồng già đến khi chính quyền sở tại bố trí nơi an cư mới. Chiếc chăn cũ kĩ, cái chiếu nhàu nát, tấm áo sờn màu, bà Bấy nâng niu gấp gọn trong hơi lạnh của mưa rừng âm u.

Hướng về Nguyên Bình ảnh 2

Những đứa trẻ Nguyên Bình mong được giúp đỡ hành trang đến trường

Đối diện túp lều của cặp vợ chồng già, em Lý Mùi Dất (13 tuổi) vừa đi nhặt nhạnh củi khô trở về, bàn tay nhỏ bé gắng gượng bẻ gập từng thanh củi nhóm lửa nấu nước. Loay hoay quẹt từng que diêm, ánh lửa vụt lên rồi lại tắt nhanh, đặt ống diêm ẩm ướt lên hòn đá, em Dất buồn bã cầm que củi sang bếp ông Cán xin lửa.

Ngọn lửa cháy bập bùng, nụ cười cuối cùng cũng hiện lên trên khuôn mặt ngây thơ của cô bé miền sơn cước. Em gái 5 tuổi nũng nịu nắm vạt áo của chị kêu đói, Dất vào túp lều lấy chiếc bánh chưng cẩn thận bóc ra và đút cho em ăn. Nhìn hai đứa bé chăm sóc nhau, ai cũng ngậm ngùi.

“Bố về nhà cũ xem có vớt vát được tài sản nào còn sót lại không? Mẹ đi nhận đồ cứu trợ, cháu ở lán trông em. Lúa trên rẫy bị đổ rạp, gạo dự trữ trong nhà cũng không có, may có bánh chưng và mì tôm mà cô, bác dưới thành phố lên cho”, Dất kể. Thẫn thờ ánh mắt hướng về xóm cũ, cụ Lý Mùi Diện (84 tuổi) thở dài. “Già gần đất xa trời rồi, chẳng thiết tha gì nữa, chỉ duy nhất mong con, cháu được yên ổn”, cụ Diện nói.

Theo thống kê của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), lũ quét, sạt lở đất khiến huyện bị thiệt hại nặng nề, 52 người chết, đang mất tích 5 người, hơn 110 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn và ảnh hưởng nặng, gần 2.000 người phải sơ tán khẩn cấp… Tính đến ngày 15/9, hơn 50 đoàn cứu trợ người dân Nguyên Bình với 730 triệu đồng, 11 tấn gạo, 1.559 thùng mì tôm, 436 bộ chăn màn và gối, 141 thùng sữa…

Mong được an cư

Cùng với lực lượng dân quân tự vệ, anh Lý Dào Sinh đang khuân vác những cây tre dài về Chạn Xá để dựng lán cho những hộ dân trong xóm tạm trú. Lau giọt mồ hôi nhễ nhại, anh Sinh nói: “Gần xong rồi, còn một lán nữa”. Hơn 10 người, mỗi người mỗi việc, chỉ chốc lát, chiếc lán cũng hoàn thành. Theo người dân xóm Lũng Luông (xã Vũ Nông), bao đời cư ngụ nơi đây, không có lần nào phải chạy nạn thế này.

Nếu có thì cũng chỉ một vài hộ, chứ cả xóm thì là lần đầu. Buộc chặt tấm liếp tre, anh Sinh cho biết: “Ngày 8/9, sau cơn mưa dài nặng hạt, đất đồi phía sau nhà tôi sạt xuống đẩy bức tường sập, may mắn cả nhà chạy thoát sang nhà anh trai, còn gà, lợn bị đất đá vùi lấp. Hai ngày sau, trời nắng ráo, mọi người trong xóm về tháo gỗ tập kết ở lề tỉnh lộ 202, vì không biết đi đâu về đâu, chưa có mặt bằng nên cả xóm đến đây dựng lán tạm, chờ địa phương bố trí san lấp mặt bằng mới dựng nhà”.

Từ phía sau núi đi về lán, anh Đặng Vần On nói: “Chỉ khu vực này là an toàn nhất thôi. Tôi và mọi người khảo sát liên tục hai ngày qua, đồi không quá cao, không có vết nứt, lại thuận tiện giao thông nên bà con mong muốn chính quyền địa phương cho máy móc san lấp mặt bằng ở Chạn Xá để dựng nhà. Ruộng ở xóm cũ bị lấp thì có thể cào lại, sản xuất tiếp nhưng nhà không thể dựng ở đó thì phải chuyển. Chúng tôi rất cần có nơi ở để sớm ổn định cuộc sống”.

“Tài sản bị mất, ruộng nương không còn, lương thực thiếu thốn, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ gạo để tránh cơn đói dài ngày”, anh Lý Pụ Kinh nói thêm. Đây cũng là tiếng lòng của người dân xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành vào thời điểm này. Toàn bộ tài sản bị vùi lấp dưới bùn đất, 6 hộ dân Lũng Lỳ ở nhờ nhà họ hàng để tránh cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng về lâu dài, họ cần nơi ở mới.

Lật từng trang sách, cuốn vở lấm lem bùn đất, em Lý An Thành và em Phượng Chòi Sơn đượm buồn. “Chúng em mong được giúp đỡ sách, vở mới để đi học, bút mới mua, mực đang đầy cũng chưa viết được nhiều mà đã mất. Trong xóm Lũng Luông, bạn nào cũng cần cả, chúng em muốn đến trường”, em Thành nói.

Sẻ chia yêu thương

Người dân miền Trung xuyên đêm đỏ lửa nấu bánh chưng, người dân miền Nam đóng góp tiền mua nhu yếu phẩm, tình đồng bào cùng nhịp đập yêu thương hướng về Cao Bằng. Hàng chục điểm sạt lở trên quốc lộ 34 khiến đường vào Nguyên Bình khó khăn. Lực lượng chức năng cấp tốc thông tuyến, hàng chục chuyến xe nối dài vào Ca Thành, Vũ Nông.

Là một trong những đoàn từ thiện đầu tiên về Nguyên Bình cứu trợ, anh Phạm Văn An (tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Nghe tin sạt lở ở đây khiến hàng chục người chết và mất tích, tôi cùng nhóm bạn góp tiền mua mì tôm, sữa thuê xe tải tiến về Cao Bằng...

Tôi sẽ kêu gọi tiếp để mong góp sức nhỏ giúp người dân vượt qua khó khăn”. Vác từng bì gạo khỏi thùng xe bán tải, anh Nguyễn Đức Khôi (thành phố Cao Bằng) nói: “Vợ chồng tôi kinh doanh gạo nên trong kho khi nào cũng có sẵn, khi biết tin sạt ở Ca Thành, Vũ Nông, gia đình lập tức chở gạo lên ứng trợ. Chỉ mong bà con qua cơn đói rét. Mong mọi miền sẻ chia với Nguyên Bình”.

MỚI - NÓNG