Hướng về đâu?

TP - Người thích dịch chuyển thường có nhiều chuyến đi. Xuyên Việt chẳng hạn. Theo những chuyến xe khách, tự lái xe hơi, hoặc đi xe đạp xe máy như cánh du lịch bụi mà bây giờ gọi là phượt. 

Không dám chắc người của ba chục năm sau có còn hiểu chữ phượt, một từ đang thịnh lúc này, cũng có thể coi như tiếng lóng. Ba chục năm sau cũng chưa chắc còn hiểu nghĩa du lịch bụi, cũng là một thời ngôn. Nhưng chẳng cần bận tâm, khi ấy người ta có ngôn từ khác. 


Trải bản đồ ra trước mặt, hướng bắc ở trên, hướng nam ở dưới, đông bên phải, tây bên trái. Người ta sẽ đi sang đông, sang tây, lên bắc, xuống nam. Trong cuốn Người hùng trở lại (Ngọc Tú dịch, NXB Văn Học 2008), trang 33, người dịch viết: Đi lên hướng nam. Nghĩ xem người đang đi lên hướng nam thì điểm xuất phát là ở đâu nhỉ. Nam Cực chăng. Ngay cả ở Nam Cực thì đi về phương nam cũng phải là đi xuống, mặc dù từ Nam Cực đã coi hết đường đi xuống. Hướng nam ở bên dưới, gây một cảm giác đi sâu xuống, vào sâu, nên còn nói là vào nam. Vào nam, ra bắc. Miền trong và miền ngoài. Vào và ra là theo cách ấy. Ở Hà Nội thì vào Thanh Hóa, Nghệ An, vào Huế, Nha Trang, đấy là vào miền trong. Ở Hà Nội mà nói ra Hải Phòng, ra Quảng Ninh là vì từ nội địa đi dần ra phía biển.

Có những cách nói thoạt nghe tưởng vô lý. Anh ấy đang ở ngoài sân. Cô ấy đã ra ngoài công trường. Rõ ràng anh ta đang ở trên sân, trong phạm vi diện tích của cái sân, thì phải là ở trong sân. Cô ấy đã đi và hiện ở giữa công trường, trong công trường. Nhưng cách nói này của tiếng Việt bao giờ cũng xác định điểm chuẩn của người phát ngôn. Người nói đang ở trong nhà, cho nên anh ấy phải ở phía bên ngoài, ở ngoài sân. Người nói cũng đang ở đây, một điểm đã xác định, bên ngoài chỗ đây được coi là ngoài, cái công trường ở xa đâu đó là bên ngoài, và cô ấy đã ra ngoài công trường, chứ không còn ở trong đây nữa. 

Tương tự: Bà đang gặt lúa dưới ánh nắng gay gắt. Giở lý ra thì bà phải đang ở trong nắng, giữa nắng, nắng bao bọc khắp người bà. Nhưng dưới ánh nắng là kể từ điểm chiếu của mặt trời từ trên cao xuống. Ngôn ngữ không chỉ miêu tả chính xác sự bao phủ của nắng mà còn gợi ý cả điểm xuất phát của nắng. 

Từ đó mà đối chiếu vào câu: Cửa sổ mở vào màn đêm bên ngoài (Những mối tình nực cười, tr. 128). Đã bên ngoài thì phải mở ra chứ nhỉ. Tâm điểm đang ở bên trong nhà cơ mà. Đây là một cách nói lạ với tiếng Việt. Nhưng có thể cố lý giải giúp người dịch. Màn đêm mênh mông ở bên ngoài là một hướng, và có lối để hòa vào màn đêm ấy, cái cửa sổ là một lối vào. Mở ra màn đêm bên ngoài là chủ thể đang ở trong nhà. Mở vào màn đêm bên ngoài được hiểu là chủ thể đang muốn tiến vào trong màn đêm ấy, và cũng có thể trèo qua đường cửa sổ.

Người Việt cũng nói: Tôi ngồi xuống ghê. Tôi đang đứng, hoặc ở một chỗ cao hơn mặt ghế, và tôi ngồi xuống ghế. Không phải là tôi ngồi thấp hơn cái ghế hoặc ngồi bên cạnh chân ghế. Nhưng cũng có khi lại nói: Tôi ngồi lên ghế. Chỉ ra chính xác vị trí là ngồi trên mặt ghế. Hoặc là tôi đang ngồi dưới chiếu (thực ra là trên mặt chiếu), tôi đang ở vị trí thấp và chuyển lên vị trí cao hơn, ngồi lên ghế. 

Cũng thế, ông đang uống trà ở trên bàn. Không nên hiểu là ông ngồi trên bàn, mà ngôn ngữ đã vẽ ra cảnh chén trà ở trên bàn khi ông ngồi uống. Còn ông, chính xác là ông ngồi ở bên bàn. 

Có khi, ta đứng trước biển, đứng trước một dòng sông, và câu miêu tả sẽ là: họ đứng bên bờ sông, họ đứng bên bờ biển. Đòi cho đúng lý, thì phải tả là trên bờ sông, trên bờ biển. Cái bờ ở đấy, ta đứng ở trên nó, làm sao lại ở bên cạnh nó được. Nhưng chữ bên là chỉ hướng, hướng ấy là ở bên cạnh con sông, bên cạnh biển. 

Còn một cách nói nữa, cũng là trên dưới trong ngoài, nhưng ở một sắc độ khác: 

- Dưới tầm hiểu biết của tôi (Người hùng trở lại): cứ như thể việc này thấp hơn sự hiểu biết của tôi. Nhưng dịch giả lại muốn diễn đạt một ý khác: trong tầm hiểu biết của tôi, trong phạm vi hiểu biết của tôi.

- Dưới cái nhìn của tôi (Những mối tình nực cười, tr. 183): đọc thì tưởng nhân vật nói một cách kênh kiệu, tôi nhìn từ trên xuống, tôi ở thế cao, có phần khinh thị, tất cả đều dưới tầm. Nhưng lại cũng rất đơn giản: trong cái nhìn của tôi, theo cách nhìn của tôi, theo quan niệm của tôi.

MỚI - NÓNG