Hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao
TP - Mức chuẩn ngạch xuất khẩu cho vonfram theo thông tư quy định về xuất khẩu khoáng sản được nhà nước đặt ở hàm lượng 55%, trong khi đó, nguyên liệu đầu vào của công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck có hàm lượng 65%, thông tin này mang lại kỳ vọng gia tăng giá trị cho các sản phẩm vonfram xuất khẩu.

> Thành lập công ty tinh luyện Vonfram đầu tiên tại Việt Nam

Cộng hưởng sức mạnh

Ngay sau khi cơ bản hoàn thành việc xây dựng Mỏ đa kim Núi Pháo của công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngày 29/7 vừa qua, Tập đoàn Masan lại có thêm một bước dài mở ra hướng phát triển bền vững trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Đó là việc Tập đoàn H.C. Starck, nhà sản xuất các kim loại công nghệ cao hàng đầu và một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất vonfram và Núi Pháo đã ký vào hợp đồng liên doanh để chính thức thành lập công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck.

Trữ lượng của Núi Pháo lên tới 52,5 triệu tấn quặng có chứa WO3 với phẩm cấp 0,21%, và vì thế được coi là mỏ vonfram lớn nhất thế giới nằm ngoài Trung Quốc. Hơn thế mỏ này đã được Masan phát triển xong với đầy đủ các tiêu chuẩn là một dự án khai thác theo chuẩn mực tốt nhất của thế giới, hằng năm có thể cung ứng một sản lượng lên tới 7% nguồn cung vonfram toàn cầu.

Theo đại diện của Masan, căn cứ để H.C. Starck bắt tay với Masan trong dự án khai thác chế biến vonfram Núi Pháo là tầm cỡ và quy mô của khu mỏ đa kim này trong bản đồ cung ứng vonfram của thế giới với trữ lượng lên tới 52,5 triệu tấn quặng có chứa WO3 với phẩm cấp 0,21% và đây được coi là mỏ vonfram lớn nhất thế giới nằm ngoài Trung Quốc.

Với tiềm năng này, hằng năm dự kiến dự án có thể cung cấp một sản lượng lên tới 7% nguồn cung vonfram toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 85% trữ lượng vonfram trên thế giới đang ngày càng thắt chặt xuất khẩu loại khoáng sản quý hiếm này.

Đánh giá về tiềm năng của mỏ Núi Pháo, ông Andreas Meier, Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của H.C. Starck cho biết: “Masan đã phát triển một doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản mang đẳng cấp thế giới và mỏ Núi Pháo sẽ là một nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho liên doanh”.

Theo ông Dominic Heaton, Tổng Giám đốc điều hành của Núi Pháo: “H.C. Starck có chuyên môn đẳng cấp thế giới trong việc chế biến và tinh luyện các sản phẩm vonfram. Sở hữu bí quyết chuyên sâu của H.C. Starck, Tập đoàn Masan sẽ góp phần vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam thành nước xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn”.

Được biết nhà máy của liên doanh Núi Pháo - H.C. Starck sẽ sử dụng các công nghệ tinh chế hiện đại nhất thế giới hiện nay trong lĩnh vực tinh chế quặng vonfram. Các sản phẩm của Núi Pháo - H.C.Starck đều là các sản phẩm hóa chất vonfram tinh luyện có giá trị gia tăng cao. Động thái này được đánh giá không chỉ đáp ứng mà còn vượt xa các yêu cầu của chính phủ về khoáng sản xuất khẩu.

Tăng nguồn cung chủ động

Theo kế hoạch, vào tháng tới, giai đoạn đầu tiên của nhà máy chế biến vonfram đầu tiên tại Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động và các giai đoạn tiếp theo dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Được biết, sau khi qua quá trình tuyển quặng và chế biến sâu tại nhà máy đang hoạt động tại Núi Pháo, sản phẩm ra lò là vonfram có hàm lượng 65% so với 0,21% hàm lượng vonfram khi mới được khai thác. Sản phẩm với 65% hàm lượng vonfram này sẽ trở thành đầu vào cho nhà máy do liên doanh Núi Pháo - H.C.Starck đầu tư xây dựng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Núi Pháo với vai trò đối tác cung cấp nguyên liệu cho công ty liên doanh, đã phát triển một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc với vòng đời dự kiến hơn 15 năm. Việc thành lập liên doanh tinh luyện vonfram ở Việt Nam là bước chủ động trong việc giảm thiểu việc phụ thuộc nguồn cung vonfram từ Trung Quốc.

Năm 2012, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) phần lớn trữ lượng vonfram toàn cầu nằm ở Trung Quốc. Hằng năm, quốc gia này sản xuất ra tới 62.000 tấn, chiếm khoảng 85% sản lượng toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp dụng hạn ngạch sản xuất và xuất khẩu vonfram và giảm dần quota xuất khẩu từ 18.100 tấn năm 2002 xuống còn 15.400 tấn năm 2012.

Trao đổi với Tiền Phong, Đại diện truyền thông của Masan cho biết, công ty liên doanh này có khả năng tinh luyện lên đến 10.000 tấn tinh quặng vonfram mỗi năm. Ngoài việc H.C. Starck đầu tư thiết bị công nghệ cao và vận hành kỹ thuật, đối tác còn cam kết mua lại phần lớn sản lượng vonfram từ liên doanh với doanh thu hơn 1 tỷ USD trong vòng 10 năm. Điều này giúp Núi Pháo giải quyết được vấn đề cơ bản là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, thông qua đó giảm thiểu rủi ro của liên doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG