Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay mức độ cơ giới hoá ở một số khâu trong một số lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: trồng trọt đạt từ 70% đến 100%, chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%. Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; có 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp như: tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
Phun thuốc bằng máy bay không người lái tại ĐBSCL |
Theo ông Nam, hội thảo lần này mong muốn thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, gia tăng sự chuyển giao sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu chế biến và sản xuất nông nghiệp để đạt các mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những giải pháp chính trong thời gian tới là phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu và đơn vị quan tâm đến các giải pháp canh tác trồng trọt thông minh (nông nghiệp 4.0), ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong nông nghiệp.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu |
Đại diện đơn vị cho biết, sử dụng drone mang lại hiệu quả cao cho người vận hành và nông dân sản xuất lúa. Chỉ mất 2 - 4 phút xử lý xong 1 ha, nhưng phun xịt theo truyền thống bằng máy nổ phải mất 90 phút mới xong 1 ha. Đồng thời, lượng nước tiêu tốn cho 1 lần xử lý chỉ mất 10 lít/ha nhưng theo truyền thống phải mất 300 lít (tối thiểu cho 1 lần phun/ha).
Drone đã chứng tỏ khả năng tiết kiệm sức lao động, năng suất lao động tăng rõ rệt, tiết kiệm nguồn nước pha thuốc và lượng thuốc BVTV, tăng thu nhập rõ rệt khi đầu tư drone làm dịch vụ canh tác trồng trọt ở các tỉnh phía Nam. Đây là 1 trong các giải pháp nông nghiệp thông minh rất triển vọng cho sản xuất nông nghiệp.